Triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp

Còn né tránh, đùn đẩy tiếp nhận trưng cầu giám định

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:12 - Chia sẻ
Luật Giám định tư pháp được QH thông qua ngày 20.6.2012. Sau khi có hiệu lực, Luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định về giám định tư pháp ở các lĩnh vực, phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện, công tác giám định cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy tiếp nhận trưng cầu giám định, chậm trễ trong thực hiện giám định, hoặc lạm dụng trưng cầu giám định gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

Thiếu chế tài bảo đảm thực hiện giám định

Qua hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp cho thấy, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống các quy định về giám định tư pháp ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển. Hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả. Công tác giám định tư pháp có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả. Về cơ bản, hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật, đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, hoạt động giám định ở một số lĩnh vực còn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Còn có tình trạng cơ quan tố tụng trưng cầu giám định chưa đúng thẩm quyền của cơ quan giám định, nội dung yêu cầu chưa bảo đảm. Một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu còn từ chối, né tránh, đùn đẩy việc làm giám định, hoặc chậm trễ trong tổ chức thực hiện việc giám định. Việc phối hợp cung cấp tài liệu cho cơ quan giám định có vụ việc còn chậm hoặc không đầy đủ. Quy định về trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện... dẫn đến một số trường hợp cơ quan trưng cầu chưa cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ vụ việc cho thực hiện giám định, nội dung yêu cầu không rõ ràng hoặc không phù hợp chức năng, thẩm quyền của ngành chuyên môn. Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Giám định tư pháp và pháp luật về tố tụng quy định chưa quy định đầy đủ về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, dẫn đến tình trạng một số trường hợp lạm dụng giám định tư pháp để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp nhiều vụ việc còn lúng túng, chưa thống nhất, chặt chẽ.


Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự của Ủy ban Tư pháp làm việc tại TP Cần Thơ

Chỉ có một văn phòng giám định tư pháp về tài chính

Mặc dù đã có chủ trương về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, song chủ trương này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa huy động và thu hút được các nguồn lực xã hội cho hoạt động giám định tư pháp. Điều 14, Luật Giám định tư pháp quy định: Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ mới có một văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn được thành lập ở lĩnh vực tài chính tại TP Hồ Chí Minh, nhưng hoạt động cũng rất cầm chừng, hạn chế. Có những lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp có tăng về số lượng trưng cầu giám định nhưng chưa lớn, chưa thường xuyên, chỉ tập trung ở một số thành phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nên không đủ việc cho văn phòng giám định hoạt động theo trưng cầu của cơ quan tố tụng. Điều này dẫn đến không phát triển được văn phòng giám định ngoài công lập. Trong khi đó, lĩnh vực mà xã hội thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên, cần cho phép thành lập văn phòng giám định tư pháp như giám định tài liệu, AND, số khung, số máy… thì không được phép thành lập. Nhiều địa phương cho rằng, phạm vi xã hội hóa các văn phòng giám định như vậy là hẹp, cần có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu trong hoạt động giám định hiện nay.

Ngoài ra, còn một số lĩnh vực giám định, địa phương chưa có đủ điều kiện để giám định như xây dựng, sở hữu trí tuệ, tài chính, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ... nên cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu tổ chức giám định ở cấp Trung ương. Điều này, gây quá tải cho tổ chức đó và làm kéo dài thời gian làm giám định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, hoặc còn có vụ việc cơ quan trưng cầu yêu cầu người giám định xem xét, đánh giá, cho ý kiến cả về những vấn đề pháp lý của vụ án, vượt quá phạm vi chuyên môn giám định.

Điều đáng nói là, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm, còn chung chung, không đầy đủ, rõ ràng những nội dung được yêu cầu. Còn có sự khác nhau giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu trong một số trường hợp, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

Giám định tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong tố tụng, kết luận giám định chính xác, khách quan và kịp thời góp phần giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các vụ án, đặc biệt là trong tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. Do đó, để khắc phục tồn tại nêu trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác giám định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp là yêu cầu cần thiết, khách quan, nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn hiện nay trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng trong tình hình mới có nhiều thay đổi, cũng như đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Hà An