Chính sách về bảo hiểm thất nghiệp

Còn nặng về hỗ trợ

- Thứ Tư, 15/05/2019, 07:53 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã tương đối hoàn thiện, ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, đem lại lợi ích cho các bên. Song, vẫn nặng về giải quyết hậu quả, hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nhưng lại nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Triển khai đồng bộ, kịp thời

Theo tổng kết của BHXH Việt Nam, năm 2018, cả nước có 12,68 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số thu 15.531 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, Việt Nam đang có tới 18,9 triệu lao động phi chính thức và phần lớn lực lượng này chưa được bao phủ bởi bảo hiểm thất nghiệp.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua, đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hệ thống văn bản hướng dẫn đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện. Trong đó, có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.


Trên 4 triệu người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp Nguồn: ITN

Theo các chuyên gia, công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời, có sự phối hợp tốt giữa các ngành lao động, Bảo hiểm xã hội, tài chính, nội vụ và các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động. Các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và không ngừng cải tiến quy trình tư vấn nên số người được tư vấn và chất lượng tư vấn ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, người lao động cũng dần ý thức việc học tập, nâng cao trình độ để chuyển đổi nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với bản thân họ. Tại nhiều địa phương, người lao động sẵn sàng bỏ thêm nhiều chi phí học nghề, ăn ở, đi lại… bù vào phần chênh lệch so với chi phí được hỗ trợ để hoàn thành hết khóa học nghề.

Còn nhiều khoảng trống

 Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số lượng người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng năm đang tăng, tỷ lệ tăng bình quân 12,5%/năm. Đến nay, đã có trên 4 triệu người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gần 160.000 người được hỗ trợ học nghề và hầu hết đều có việc làm ổn định.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp còn nặng về giải quyết hậu quả, tức là khi nào người lao động thất nghiệp thì hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo để họ có thể thích ứng với công việc mới nhưng lại nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Đơn cử như thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể tiếp tục sử dụng lao động thay vì cho họ thôi việc, chấm dứt hợp đồng, đặc biệt đối với những đơn vị sử dụng lao động trung niên, từ 35 - 40 tuổi. Trong khi, rất nhiều nước đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động trung niên như giảm chi phí đóng BHXH.

Vễ hỗ trợ đào tạo, có ý kiến cho rằng, với mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hiện nay là 1 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng chi phí học các nghề đơn giản như may căn bản, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng. Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn gặp khó khăn khi không có văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc như trường hợp người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh...

Bên cạnh đó, hiện còn thiếu công cụ quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định. Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm chưa có nhân lực và cơ sở vật chất đầy đủ dẫn tới quá tải. Các trung tâm dịch vụ việc làm không có công cụ nào để nhận biết người lao động đã có việc làm mới hay chưa. Đây là kẽ hở dẫn tới gian dối trong lập thủ tục, hồ sơ chi trả bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Dương Cầm