Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Con đường còn nhiều gập ghềnh

- Thứ Sáu, 04/10/2019, 16:00 - Chia sẻ
Bất cập trong cơ chế, vướng mắc trong đào tạo các trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hoạt động của Trung tâm giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục thường xuyên (GDTX) sau khi sáp nhập… là những nội dung chính được đại diện các cơ sở GDNN khu vực Tây Bắc, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ nêu ra tại Hội nghị giao ban về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên 2019 và sơ kết 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 4.10, tại Hà Tĩnh.

Năng suất lao động tăng gấp 2,7 lần

Theo báo cáo sơ bộ, đến tháng 9.2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho trên 1,25 triệu người; trong đó đào tạo sơ cấp cho gần 500 nghìn người, các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho trên 750 nghìn người. Các trường cao đẳng, trung cấp đã tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học cho trên 25 nghìn người. Ước cả năm 2019, cả nước tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt khoảng 1,75 triệu người, đạt 102,9% kế hoạch và tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học trình độ cao đẳng, trung cấp đạt khoảng 30 nghìn người.


Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đến thời điểm này, cả nước cũng đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Uớc thực hiện đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án, tương đương 11,03 triệu người.

Đáng chú ý, sau học nghề số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng xuất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng xuất, thu nhập cao hơn. Đặc biệt cả nước có gần 350 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 nghìn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. 

Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lao động qua đào tạo từ 28% (có bằng chứng chỉ đạt 14,1%) năm 2009 lên 59,5%. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 35,4% cuối quý 1.2019, giảm 16,1%. Nâng năng suất lao động từ 37,9 triệu đồng năm 2009 lên đạt 102,2 triệu đồng năm 2018, gấp 2,7 lần. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp thuỷ sản 14,1 triệu đồng năm 2009 lên 39,8 triệu đồng năm 2018, gấp 2,82 lần.


Toàn cảnh Hội nghị

Còn nhiều bất cập

Bên cạnh kết quả trên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên còn nhiều khó khăn vướng mắc. Việc ban hành các văn bản liên quan còn chậm gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện. Nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa quan tâm nghiên cứu, triển khai các quy định về đào tạo trình độ sơ cấp, các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác và đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác của doanh nghiệp và việc các tổ chức khác và cá nhân mở lớp đào tạo nghề còn nhiều bất cập như không công khai chương trình đào tạo, không ký hợp đồng đào tạo, sau đào tạo không cấp chứng chỉ đào tạo và không báo cáo theo quy định.

Đặc biệt, việc bố trí kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chỉ đạt khoảng 30%; số còn lại chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo cho người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ đạt thấp. Một số địa phương chưa triển khai hỗ trợ đào tạo sơ cấp theo thẻ đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ. Việc thanh toán kinh phí hỗ trợ đào tạo chậm. Nhiều địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp làm cơ sở thanh quyết toán chi phí đào tạo.


Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Đặng Văn Tiến phát biểu

Dự kiến đến năm 2020, sẽ tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho khoảng 1,85 triệu người. Mở rộng tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn cho trên 100 nghìn người. Giai đoạn 2021-2025 nâng tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho khoảng 4 triệu người/năm; giai đoạn 2025-2030 đạt khoảng 5,5 triệu người/năm. Mở rộng tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn tăng gấp 2 lần thực hiện ở giai đoạn trước.

Để hoàn thành mục tiêu trên, trước mắt, các cơ sở GDNN cần tập trung triển khai thực hiện đạt và vượt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp năm 2019; xây dựng và gửi báo cáo kế hoạch 2020 về Tổng cục theo hướng dẫn của Bộ, Tổng cục GDNN. Các địa phương triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng cục GDNN tại Công văn số 1807/TCGDNN-ĐTTX ngày 9 tháng 9 năm 2019 về thực hiện đào tạo sơ cấp, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và các chương trình đào tạo nghề khác theo nhu cầu của người học. Xây dựng kế hoạch, đề xuất và theo bám trình bố trí kinh phí thực. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông về GDNN nói chung; đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên nói riêng.

Giai đoạn (2016 - 2019), đã có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn (5,5 triệu người), trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 2,85 triệu người, đạt 74% kế hoạch giai đoạn (3,84 triệu người). Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2019 là 81,4%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 1,4%.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Thái Bình