An toàn lao động khu vực phi chính thức

Còn buông lỏng

- Thứ Bảy, 04/05/2019, 08:36 - Chia sẻ
Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng, dù một số địa phương đã thực hiện gửi biên bản điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như Thái Nguyên, Đồng Tháp, Phú Thọ, An Giang, TP Hà Nội, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công tác điều tra tai nạn lao động đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của UBND cấp xã còn nhiều hạn chế…

Gia tăng số vụ tai nạn

Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2018 như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 1.494 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 5 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 127.034 ngày.

Đánh giá thực trạng an toàn lao động, Báo cáo của Cục An toàn lao động cho biết, năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động làm 8.229 người bị nạn. Trong đó, khu vực có quan hệ hợp đồng lao động xảy ra 578 vụ tai nạn lao động chết người, làm 622 người chết; khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động xảy ra 394 vụ tai nạn lao động chết người làm 417 người chết. Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim. Đáng lưu ý, năm 2018 đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết từ 2 người trở lên và làm bị thương nhiều người) tại các địa phương: Cao Bằng, TP Hà Nội, Hải Dương, TP Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Trà Vinh, Đắk Nông. Tai nạn lao động xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, nổ lò, ngạt khí. Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, chưa có hình thức xử lý, năm 2018 có 15 vụ đề nghị khởi tố, trong đó 3 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn do người sử dụng lao động chiếm 46,49%, cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,56% tổng số vụ; do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 9,64% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 7,02% tổng số vụ; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động chiếm 0,88% tổng số vụ. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42% tổng số số vụ. Còn lại 35,06% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác...

Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể lớn hơn nhiều con số được công bố vì đa số doanh nghiệp, địa phương chưa chủ động báo cáo hoặc cố tình che giấu. Đơn cử như tại TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trung bình mỗi năm, toàn thành phố chỉ có 5 - 7% doanh nghiệp báo cáo về tình hình an toàn lao động. Số doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động nhằm kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc mới đạt khoảng 10%.

Cần nâng mức xử phạt

Lý giải tình hình tai nạn lao động tăng cao trong khu vực không có quan hệ lao động, ông Hà Tất Thắng cho biết, theo quy định từ ngày 1.7.2016, việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động bắt đầu được triển khai theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động. Theo đó, nếu như năm 2017, mới có 41 tỉnh thực hiện thống kê thì năm 2018, con số này đã lên được 52 tỉnh. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều địa phương quan tâm đến công tác thống kê tai nạn lao động. Chính vì vậy, con số tai nạn lao động cũng sẽ tăng lên và phản ánh đúng hơn về thực trạng an toàn vệ sinh lao động. Dù vậy, ông Thắng cho biết vẫn còn 12 địa phương chưa có báo cáo là Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Quảng Bình, Phú Thọ, Kon Tum, TP Cần Thơ, Gia Lai, Ninh Bình, Bình Phước, Long An. Bên cạnh đó, công tác điều tra tai nạn lao động đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của UBND cấp xã triển khai còn rất hạn chế.

Từ những hạn chế trên, để bảo đảm an toàn nơi làm việc cho lao động khu vực không có hợp đồng, ý kiến từ các địa phương cho rằng, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý lao động. Trong đó, nhóm lao động không theo hợp đồng cần được tham gia, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện… Đồng thời, nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp, làm căn cứ cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2019 diễn ra từ 1 - 31.5, với nhiều hoạt động như kiểm tra các doanh nghiệp; các công trình xây dựng của các tập đoàn, tổng công ty trên cả nước; kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, một số đơn vị trong ngành y tế; hội thảo đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động cho người lao động… Hy vọng, với việc tổ chức Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động cùng với các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động sẽ góp phần kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, thông qua các hoạt động sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Bảo Anh