Xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019:

Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

- Thứ Hai, 02/03/2020, 00:14 - Chia sẻ
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, chiều nay, 3.6, thảo luận tại hội trường về xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, so với các năm trước, việc đề nghị lập Chương trình của Chính phủ tiếp tục có cải tiến. Tuy nhiên, cần tiếp tục bám sát nguyên tắc đó là, chỉ rút ra khỏi Chương trình, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Đặc biệt, dự án luật đưa vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp và khả năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

Tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc

Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, nêu rõ, trước kỳ họp thứ Bảy của QH, UBTVQH chỉ nhận được đề nghị của Chính phủ về xây dựng Chương trình năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019; các cơ quan khác không có đề nghị.


 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

So với các năm trước, việc lập đề nghị đưa các dự án vào Chương trình của Chính phủ tiếp tục có cải tiến. Đề nghị của Chính phủ được chuẩn bị sớm và gửi đến UBTVQH bảo đảm thời gian quy định. Hồ sơ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, chất lượng một số hồ sơ đề nghị vẫn còn phải lưu ý như: Dự kiến nội dung sửa đổi chưa quán triệt được đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Trung ương; báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết chưa phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nhu cầu khách quan xây dựng chính sách của văn bản; dự kiến nguồn lực còn định tính, thiếu định lượng...

Về nguyên tắc lập Chương trình năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc điều chỉnh Chương trình năm 2019 không làm ảnh hưởng, thay đổi cơ bản Chương trình đã được QH quyết định; chỉ rút ra khỏi Chương trình, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhưng cơ quan trình phải có báo cáo cụ thể về nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xin lùi, rút. Các dự án đã có trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp trước sẽ tiếp tục được đưa vào Chương trình kỳ họp tiếp theo để xem xét, thông qua.

Bên cạnh đó, ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các luật, nghị quyết của QH; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật mới được ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển KT - XH, hội nhập quốc tế. Những dự án được đưa vào Chương trình phải bảo đảm hồ sơ đáp ứng đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.

Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp QH và khả năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; đồng thời bảo đảm nguyên tắc đã được QH thống nhất là tại mỗi kỳ họp QH, không phân công quá 3 dự án (bao gồm cả dự án trình thông qua và dự án trình xin ý kiến) cho 1 cơ quan, trừ trường hợp đặc biệt, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nói.

Lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai

Về điều chỉnh Chương trình năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình 2 dự án luật, lùi thời gian trình 2 dự án luật, bổ sung vào Chương trình 5 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh.

UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ đối với 7 dự án. Cụ thể, đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Lùi thời gian trình 1 Kỳ họp đối với  dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua tại kỳ họp thứ 9 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ hơn.

Bổ sung vào Chương trình năm 2019 đối với 5 dự án, gồm: Bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ Bảy để trình QH xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để triển khai thi hành Nghị quyết của QH về phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ  Támđối với 3 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Bổ sung vào Chương trình của UBTVQH dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trình tháng 12.2019.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi một kỳ họp, từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy sang cho ý tại Kỳ họp thứ Tám. UBTVQH đề nghị lùi thêm một kỳ họp so với đề xuất của Chính phủ, trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứChín (tháng 5.2020) để có thêm thời gian cho Chính phủ chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tính khả thi.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Chính phủ đề nghị rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình năm 2019 và sẽ trình QH vào thời điểm thích hợp.

Qua xem xét, UBTVQH nhận thấy, đây là dự án Luật đã được đưa vào Chương trình năm 2019 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 6.9.2018 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Do đó, UBTVQH đề nghị không rút dự án luật này ra khỏi Chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình QH sang cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứChín (tháng 5.2020).

Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chính phủ đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình năm 2019, trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.

Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ dự án và ý kiến của cơ quan thẩm tra, UBTVQH nhận thấy, phạm vi dự kiến sửa đổi Luật khá rộng, chưa quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW ngày 18.1.2013 về Đề án đổi mới công tác thi đua - khen thưởng; chưa có tổng kết, đánh giá về vấn đề khen thưởng đối với ĐBQH chuyên trách để có hướng sửa đổi, bổ sung Luật.

Vì vậy, để có thêm thời gian cho Chính phủ tổ chức nghiên cứu thấu đáo, toàn diện các vấn đề, đồng thời bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định, UBTVQH trình QH không đưa dự án Luật này vào Chương trình năm 2019 như Chính phủ đề nghị mà đưa vào Chương trình năm 2020, sẽ trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứMười (tháng 10.2020).

Như vậy, Chương trình năm 2019 dự kiến điều chỉnh sẽ là, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2019), trình QH thông qua 7 dự án luật (trong đó có 1 luật thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp) và 1 dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 ; cho ý kiến 9 dự án luật. Tại kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2019), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật (trong đó có 9 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và 1 dự án luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp ); cho ý kiến 8 dự án luật. Trình UBTVQH 1 dự án pháp lệnh (tháng 12.2019).

 Về dự kiến Chương trình năm 2020 sẽ gồm 17 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của QH. Cụ thể, trình QH thông qua 8 dự án luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám) và 1 dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; cho ý kiến 7 dự án luật. Tại Kỳ họp thứMười (tháng 10.2020), trình QH thông qua 7 dự án luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín); cho ý kiến 2 dự án luật.

Tin: Hoàng Ngọc
Ảnh: Quang Khánh