Cố tình không biết?

- Thứ Ba, 12/05/2020, 16:14 - Chia sẻ
Nói về xử lý vi phạm trật tự xây dựng khi dẫn đầu đoàn công tác thị sát, làm việc với huyện Bình Chánh về việc thực trạng xây dựng diễn ra vừa qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc lập biên bản xử lý nhưng sau đó cho nhà không phép tồn tại là điều rất nguy hiểm trong quản lý Nhà nước. Dấu hiệu sai phạm rõ nhưng địa phương "chờ" khi nhà xây xong mới xử lý và cuối cùng lại để công trình tồn tại sau khi lập biên bản vi phạm...

Vi phạm trật tự xây dựng không còn là chuyện hiếm, thậm chí còn là phổ biến ở một số thời điểm, một số địa phương. Như tại Nghệ An, kết luận một cuộc thanh tra của tỉnh với 72 chung cư thì cả 72 chung cư đều có vi phạm. Để xảy ra các vi phạm, tồn tại này, trách nhiệm chính thuộc về các chủ đầu tư, các tổ chức cá nhân tham gia thiết kế, thi công, giám sát xây dựng. Chính quyền địa phương cấp huyện, xã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm và chưa có biện pháp xử lý nghiêm, dứt điểm. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong kiểm tra việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành nhà chung cư…

Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến các sai phạm về trật tự xây dựng và biện pháp xử lý ở các địa phương đều chung chung và không rõ trách nhiệm. Phần lớn chỉ "chạy" theo xử lý "phần ngọn" - khắc phục hậu quả. Gốc của vấn đề là phát hiện và xử lý triệt để các sai phạm ngay từ đầu không được quan tâm đúng mức - như Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã nhận định: Công trình người dân xin phép thì vô cùng khó khăn, nhưng có những công trình lớn vi phạm lại ngang nhiên tồn tại. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì chỉ rõ: Chỉ đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà dân là có người đến ngay. Thế nhưng với những công trình lớn, cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? những người có thẩm quyền ở đâu?

Hậu quả của việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng đã rõ. Thế nhưng để có giải pháp hữu hiệu không dễ, bởi vậy vi phạm sẽ còn tiếp diễn nếu các cơ quan chức năng chỉ xử lý “phần ngọn”. Và từ thực tế ở Bình Chánh, có thể quan điểm của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh sẽ là "gợi ý" hay cho các địa phương: Để giải quyết căn cơ vi phạm trật tự xây dựng, phải nói rõ nhận thức là có định làm thật hay không? Có chấp nhận cho tồn tại nhà không phép hay không? Phải nói không với chia lô đất nông nghiệp, xây nhà không phép và chuyển nhượng nhà trái phép. Đây là những việc mà chính quyền, lực lượng chức năng hoàn toàn kiểm soát được. Quan  trọng hơn, phải trả lời rằng hệ thống chính trị ở Bình Chánh có khả năng chấm dứt sự hoạt động của các đầu nậu ở Vĩnh Lộc A được hay không? Huyện phải mời các tổ trưởng tự kiểm điểm, nếu tham gia môi giới xây dựng nhà không phép thì hãy xin từ chức, đảng viên tham gia môi giới thì cũng hãy xin từ chức vụ đang giữ.

Vi phạm trật tự xây dựng mọi người đều biết. Phải chăng chỉ chính quyền không biết, hay biết mà cố tình lờ đi, để thành "chuyện đã rồi"?

Khánh Ninh