Cô Thứ kén chồng (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của</i> Hương Thị

- Thứ Hai, 09/02/2015, 08:47 - Chia sẻ

>> Cô Thứ kén chồng (Phần 2)

Sáng nay, nhà anh khóa Hẩm vừa trả lời chính thức: Anh khóa còn bận khoa cử, chưa màng đến sự thê nhi, xin cô Thứ vui lòng tìm đám khác kẻo lỡ việc trăm năm. Bà mối nhìn Thứ ái ngại, vỗ về:

- Thôi cứ để mối. Không tìm được đám tương xứng cho con, mối bỏ nghề.

Thứ chẳng ngạc nhiên, nhưng đến anh khóa Hẩm cũng chê cô thì bẽ bàng quá. Anh khóa Hẩm tuổi ngoại bốn mươi thì có đến tứ thập niên bạn với đèn sách, gò lưng viết chữ nhiều quá mà lưng thành còng rạp, mũi cũng nhọn ra như đầu bút lông. Bà khóa nhiều lần giục giã kiếm người nâng khăn sửa túi nhưng khóa chẳng biết lần đâu ra người cùng trang lứa. Giờ bà khóa sắp về trời, lo không ai tần tảo chạy chợ nuôi mộng khoa cử cho khóa nên càng quyết liệt tuyển dâu đặng yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Nhà khóa đã đánh tiếng khắp làng trên xóm dưới, chẳng ai thuận. “Chỉ có Thứ là hợp nhất”, bà mối lựa lời. Bà khóa cũng tàm tạm ưng. Nhưng khốn nỗi năm sau có khoa thi lớn. Khóa dốc toàn lực vào đận này. Khóa đã thề, không ăn giải thì cũng là lần cuối, không ăn giải thì bẻ bút. Thứ biết, khóa ngại gì việc vợ con bìu ríu đâu. Khóa sợ vía Thứ át hết vận khoa trường của khóa.

 
- A, cô Thứ, cô Thứ đánh hổ kìa. Cô Thứ ơi, lớn lên cháu cũng đánh hổ như cô nhá.

Giật mình bởi tiếng reo, bước chân bần thần của Thứ đã vượt quá mẹ con nhà Na quãng ngắn, toan quay lại chào cô bé một câu thì tiếng rít khẽ của bà mẹ như dao găm sượt qua tai:

- Câm. Đâm vào mồm mày bây giờ. Báu gì cái thứ đánh hổ ấy. Ế chỏng ế chơ, báo cô cha mẹ...

Thứ đành cắm cúi bước tiếp. Sao lòng người nhanh quên đến vậy. Nếu không có Thứ, cả mẹ Na cũng chẳng còn để mà đẻ ra Na. Thế mà giờ họ dè bỉu, làm như cô là gương xấu của tất cả gái làng.


Minh họa của Thúy Hằng
Thứ ra bờ sông. Lau thưa phơ phất. Gió lạnh đìu hiu. Nhìn nước chảy lăn tăn, xám xịt một màu, Thứ thấy gai ốc nổi khắp sống lưng. Trẫm mình ở đây, xác cô sẽ trôi về đâu? Rồi mẹ già váy đụp áo nâu tóc bạc da mồi chạy dọc bờ sông hú hồn hú vía. Rồi làng trên xóm dưới đốt đuốc đỏ sông đi tìm. Rồi ở đầu làng, chỗ cô đánh hổ người ta sẽ dựng một ngôi mộ gió, trên bia ghi rõ: Cô Vũ Thị Thứ, ba mươi tuổi, liệt nữ đánh hổ bảo vệ dân làng. Tấm bia ấy, ngôi mộ ấy có ngăn nổi bầy hổ dữ tiếp tục tìm về? Rồi hội làng hàng năm ai sẽ đóng vai cô ngồi kiệu, ai sẽ diễn lại trò đánh hổ của cô, ai sẽ kể lại câu chuyện đã lan truyền khắp tổng khắp trấn như một huyền thoại? Chả lẽ, sống đường hoàng, chết lại phải lén lút thế này sao? Thôi, số phận đã bắt ta làm anh hùng thì cố nhắm mắt cho xong kiếp anh hùng vậy. Thứ thở dài.

- Sao cứ phải lấy chồng hả u?

- Để trả hiếu cha mẹ con à.

U Thứ mím môi ngăn dòng nước đục lại bằng những đường rãnh nhăn nheo. “Gái không chồng như phản gỗ long đanh”. U mất đi rồi con dựa vào ai? Nhà một mẹ một con đã trăm điều cay đắng rồi. Còn sống ngày nào, bà nhất định phải gửi gắm Thứ vào cửa nào đó mới xong. Rồi có đứa con, rồi thì lần hồi mà nuôi nó cũng qua hết những ngày tháng nhàn rỗi nghĩ ngợi vẩn vơ.

Nhưng mà hổ thì cũng đánh rồi.

Nhưng mà không ai cả gan lấy một nữ anh hùng về làm vợ.

Thế thì đi tìm làng khác vậy.

Bà mối toan đánh tiếng thì làng chặn lại. Mấy đời nay làng ta mới có một nữ anh hùng nổi danh khắp tổng khắp vùng như thế, lấy chồng làng khác, xuất giá tòng phu, rồi thì cái giống anh hùng nó sẽ ăn mầm bám rễ làng khác mất sao? Không có lý ấy được. Thứ đã đánh hổ bảo vệ dân làng, chả lẽ cái việc cỏn con ấy làng không làm nổi để đáp đền ơn Thứ?

Làng họp kín, làng bàn kín. Nửa đêm đưa ra được quyết sách. Phải bổ đầu. Tìm ra bằng được chàng rể cho Thứ. Những đám tử tế mà tương đương tuổi Thứ chẳng còn ai. Nhẽ nào bắt Thứ lấy thằng vắt mũi chưa sạch? Không chính thất thì có thể làm lẽ. Lẽ như Thứ cũng chẳng ai dám để cho thiệt thòi. Ai được làm chồng Thứ cũng vẻ vang vinh dự như có lộc trên trời rơi xuống. Nhưng cũng phải chọn người đàng hoàng. Lý cựu già quá, lý đương có đến bốn bà, tháng đôi lần chạy vòng quanh mà ra đình thở hàm râu phập phờ như có bão. Bá Nhặn vừa mới tang cha. Thôi chỉ còn Hương Hành. Làng quyết.
 
Hương Hành tuổi mới tứ tuần, hãy còn tráng kiện. Nghe nói làm chồng Thứ được miễn thuế đất thuế sản ba năm. Lại thêm miễn việc làng việc hội ba năm nữa, Hành cũng ưng ưng. Hành bàn với Thị Miễu vợ cả, Miễu nhoáng cái tính ra ngay lời lãi bốn lạng vàng. Lại có thêm người làm. Tháng đôi lần bè buôn măng khô thuốc bắc của nhà Hành từ mạn ngược cập bến chưa có người quản lý. Nhà Thứ một mẹ một con, chẳng lo Thứ tuồn của nả về nuôi bên ngoại.

Ngặt nỗi Miễu chưa có con trai. Ngặt nỗi hai vợ bé của Hành cũng chưa ai có con trai. Mà Thứ thì ruộng già mạ ngấu, hông nở eo thon dễ sinh quý tử lắm.

- Không được. Đến hổ nó còn đánh được, cả họ nhà ông dễ nó tha à. Không làm dâu nhà này được. Miễu tuyên bố.

Miễu đáo để nổi danh. Trước, khi Hành nạp hai thiếp, Miễu đuối lý là vì chưa có con trai, nhưng khi thấy hai người thiếp cũng đều không có con trai cả, Miễu giành lại thế cờ. Việc lớn việc nhỏ hương Hành không thông qua Miễu thì đừng hòng dám định đoạt.

- Nhưng đây là việc làng, chối mà dễ à.

Hành đã nghĩ đôi cánh tay vật hổ chắc khỏe, Hành cũng đã mơ cặp háng kẹp chặt lấy đầu con hổ săn căng mịn màng. Cưỡi Thứ cứ như được cưỡi lên tấm da hổ, sôi sục lạc thú và khoái cảm. Miễu còn định nói nữa, nhưng Hành đã vớ lấy, vật ra phản, nhún kèn kẹt. Miễu kêu la kịch liệt, chân đấm tay đá. Hành mất cả hứng, kết thúc rồi ngồi thừ.

Thứ vừa nghe làng chỉ định hương Hành cưới mình về làm thiếp đã nẫu hết cả người ra. Nhà ấy đời đời buôn bán dọc ngang từ cái kim sợi chỉ đến vàng nén vàng thoi, chả cái gì không mua bằng tiền, chả cái gì đáng giá bằng tiền. Hương Hành thì nổi tiếng dâm dê, ở đâu có váy là lật, ở đâu có yếm là sờ. Thị Miễu vợ cả lại đanh ác, mình về đấy sượng sùng biết ra vẻ gì. U Thứ thì chầm chậm khuyên ngăn:

- Phận con như thế, về nhà người ta cũng chẳng dám đối xử tệ bạc. Dù gì thì cũng còn làng xóm trông vào...

Ừ thì phận mình. Đến việc lấy chồng cũng phải để cho cả làng định đoạt, Thứ chua chát. Thứ cứ tựa cửa mà thở dài từ sáng cho đến tối. Nhưng u Thứ thì bồn chồn ra mặt. Sao mãi không thấy nhà hương Hành đến đánh tiếng. Dù là nạp thiếp nhưng Thứ cũng danh giá kém ai, làng quyết không có nghĩa là Thứ theo không người ta về được. U Thứ đã đếm đi đếm lại xem có mấy buồng cau, lại cẩn thận tưới thêm nước, dọn sạch gốc cho giàn trầu tươi mởn đẹp mắt. Vẫn chưa thấy động tĩnh, u mang tiếp đồ thờ ra đánh cho sáng bóng. Nửa ngày trời nữa lại trôi qua. Thêm nửa ngày cho việc quét sân, nhổ cỏ dại mọc. Nhìn u làm, Thứ những muốn lạy u đừng cố đuổi Thứ ra khỏi nhà nữa. Nhưng biết, xát muối vào lòng nhau lúc này là việc đặng chẳng đừng. Thôi cứ để cho u mừng lấy vài lần. Từ ngày Thứ đánh hổ đến nay, u vừa yêu vừa kính, vừa tự hào vừa nhún nhường, cũng lại vừa gần vừa xa với Thứ. Đẻ ra một anh hùng, dù anh hùng ấy vẫn còn bé bỏng trong vòng tay mình thì những cảm giác lẫn lộn vẫn khiến u Thứ loay hoay chẳng biết cư xử ra sao. Nó vừa là vật báu của mình, nó cũng là vật báu của cả làng. Dù sai dù đúng, u chẳng bao giờ dám nói nặng Thứ nửa lời. Chỉ biết van vỉ, thậm chí dấm dẳn dỗi thầm.

Nhưng rồi, người đầu tiên nhận ra việc đánh hổ chưa hẳn đã là phúc lại là u Thứ. Lúc Thứ còn đang say sưa theo cờ quạt võng lọng đi khắp làng trên xóm dưới, son phấn lẫy lừng, miệng cười mắt nói kể lể diễn thuyết lại màn đánh hổ thì u ngồi đếm từng ngày. Thấy mùa lễ hội năm sau, Thứ vẫn lại cờ quạt võng lọng, u chuyển sang đếm năm. Rồi khi thấy nhiều năm trôi qua, Thứ ngày càng phải bôi phấn nhiều hơn che đậy những nếp nhăn, u phiền mà không dám trách, phiền mà không dám cản. U biết, Thứ cũng chán lắm cái trò nhại đi nhại lại những màn hò hét diễn cảm ấy rồi. Nhưng từ ấy chẳng có thêm con hổ nào về làng bắt lợn, chẳng có dịch bệnh, chẳng có thiên tai, lại càng không có những chuyện gà mái gáy, hoa chuối mọc ngược hay sao băng nhật thực kỳ thú xảy đến. Thế là Thứ vẫn phải làm tròn vai của mình. Người làng cũng chẳng mặn trò lắm. Trẻ con đứa nào mới biết còn hâm mộ, đứa xem nhiều năm rồi thì chạy đến nắm tai cưỡi nhong nhong con hổ giả nhồi rơm. Nhưng làng vẫn cầu Thứ diễn. Để làng khác xem. Để làng khác nể. Tàn hội, Thứ lếch thếch xách con hổ về nhà, có lúc nhìn nó nhe răng trắng ởn trong bóng tối, Thứ những muốn cho nó mồi lửa. Để cô ra tro cùng với nó cho xong.

Lửa. Lửa ở đâu đang râm ran cháy. Lửa cháy phừng phừng. Cháy lan từ bụng lên ngực, lên cổ, lên hai má. Cháy môi, cháy tóc, cháy tay chân quờ quạng vật vã. Thứ bật dậy chạy ra sông. Mây bay hối hả, trăng hạ huyền lúc mờ lúc tỏ. Gió đưa phần phật, lau lách lúc ngả lúc nghiêng. Sóng vỗ ì oạp, nước lúc xám lúc xanh. Thứ nhảy ào xuống nước. Nước ấp vào mọi góc khuất trên thân thể. Nước ru một lúc như tay mẹ, dập nghi ngún đám cháy, để lại trên da thịt những làn khói mỏng.

Thứ về tới ngõ, va phải u sấp ngửa chạy ra. Nhà chật, người tràn cả ra sân, ra giếng, ai nấy râm ran rạng rỡ.

- Cô dâu về rồi.

- Hai họ chờ mãi, thôi đừng xấu hổ nữa, vào chào họ đi...

- Lấy ghế cho cụ Thứ ngồi đi nào, rõ khổ, cứ chạy quanh mãi thế.

Mỗi người một câu, Thứ hoa cả mắt. Thôi, cái ngày ấy cũng đến rồi. Sao số phận cứ sắp đặt hết thế này, Thứ chỉ việc ngồi đúng vào chỗ dành cho mình, làm những việc dù muốn dù không. Thứ nhìn quanh. Không, không phải nhà hương Hành, không thấy Thị Miễu. Chỉ thấy Phó Hều nhấp nhổm giữa nhà. Trên bàn xanh đỏ tím vàng mấy khay lụa, đũi, áo tứ thân, thắt lưng điều. Toàn thứ nhà làm ra cả. Mới hôm trước còn là hương Hành, sao giờ người đi hỏi Thứ lại là Phó Hều?

Phó Hều may mặc cho người quyền quý cả vùng này. Bàn tay có hoa bao nhiêu thì trên mặt có hoa bấy nhiêu. Thằng nhỏ phụ việc còn quả quyết với những người hiếu sự là có lúc Hều vừa may vừa lấy kim gại gại lên má, báo hại nó trước khi mang áo trả khách phải đập cật lực cho hàng vốc nhân trứng cá văng hết đi. Phó Hều cũng nổi tiếng ki keo. Kết thúc mỗi buổi làm Hều mang cân ra cân từng bị vải vụn. Đến những cuộn chỉ Hều cũng mang cân, biên vào sổ cẩn thận. Thằng nhỏ nhiều lúc chơi khăm, nó đến trước, phun nước vào vải, phun vừa đủ âm ẩm thôi. Đến lúc Hều cân lại, không tin vào mắt mình, mặt thuỗn ra, tay dò theo sổ, mồm lẩm bẩm: “Chả lẽ vải đẻ”.

(Số sau đăng tiếp)