Cố thoát khỏi vũng lầy

- Thứ Năm, 09/04/2015, 08:09 - Chia sẻ
Đành xa lìa quê hương xứ sở, rời bỏ nhà cửa, gia đình, truyền thống và hàng vạn thứ thân quen, phải lưu lạc xứ lạ quê người, sẵn sàng gánh chịu tương lai chưa biết ra sao là lựa chọn mịt mù chông gai trắc trở. Nhiều người ở thế giới thứ ba vẫn quyết dứt áo ra đi, chọn kiếp lưu vong, tỵ nạn. Vì sao? Bộ phim bán tài liệu Mille Soleils thể hiện tâm trạng và suy nghĩ của người tìm đường vượt biên.

Mở đầu phim Nghìn mặt trời (Mille Soleils) của nữ đạo diễn Mati Diop, một người đàn ông lùa đàn bò gầy trơ xương sừng dài hướng tới lò mổ giữa Dakar bận rộn ở Senegal, khiến xe cộ tắc nghẽn. Hình ảnh đối lập: động vật xen lẫn máy móc, mục đồng lạc giữa bối cảnh đô thị, cộng hưởng bài hát trang trọng và day dứt về sự khao khát và trả thù Khúc ballad giữa trưa (The Ballad of High Noon, thường gọi tắt High Noon) bất hủ của ca sĩ cao bồi chuyên hát nhạc đồng quê nổi tiếng Tex Ritter.


Magaye Niang và vợ trong Touki-Bouki, 1973
Cánh cửa lạ lùng mạnh mẽ này không chỉ gợi nhớ hình ảnh người hùng cao bồi miền Tây của huyền thoại điện ảnh Gary Cooper (1901-1961, nổi tiếng với nhiều phim như Wings, Sergeant York, Chuông nguyện hồn ai, High Noon), còn nhắc đến một trong những dấu son của điện ảnh châu Phi là bộ phim Touki-Bouki của đạo diễn Djibril Diop Mambéty (1945-1998) “điện ảnh là ma thuật bồi đắp ước mơ”. Touki-Bouki phát hành năm 1973, cũng bắt đầu với cảnh gia súc bị dồn đến lò giết mổ. Trong Nghìn mặt trời, người lùa bò là Magaye Niang, chính là ngôi sao của Touki-Bouki. Đạo diễn người Senegal Mambéty là chú của nữ đạo diễn Diop, Nghìn mặt trời thể hiện lòng mến mộ đồng thời nỗ lực cập nhật một số chủ đề của bộ phim lừng danh Touki-Bouki.

Lấy cảm hứng từ Kẻ cướp nhà băng (Bonnie and Clyde, 1967), Tay lái nổi loạn (Easy Rider, 1969), phim Blaxploitation Mỹ thập niên 1970 (nhắm vào khán giả Mỹ gốc Phi, chủ yếu sử dụng diễn viên da đen, nhạc funk và soul) và trào lưu điện ảnh Làn sóng mới (New Wave) của Pháp thập niên 1960 (chú trọng phong cách tự nhiên), Touki-Bouki kết hợp chặt chẽ sức mạnh bình dân và tầm nhìn sâu sắc về chính trị, khắc họa sống động bất đồng văn hóa người châu Phi nói tiếng Pháp phải đối mặt do tàn dư chủ nghĩa thực dân. Thi thoảng lồng ca khúc của biểu tượng âm nhạc quốc tế Josephine Baker ca ngợi Paris là “thiên đường nhân gian”, bộ phim Touki-Bouki theo bước đôi vợ chồng trẻ Mory (Niang) và Anta (Mareme Niang) mơ ước và toan tính vượt biên khỏi đất nước Phi châu Senegal đói nghèo, lai căng đến Pháp.

Bốn mươi năm sau, Nghìn mặt trời tìm thấy Niang vẫn ở Dakar, và làm mờ biên giới giữa số phận ông, vợ chồng họ chưa thể vượt biên tìm đến “thiên đường”. Vẻ điển trai gầy gò, khổ hạnh, tóc muối tiêu và thường xuyên cháy túi, ông Niang mặc chiếc áo jean và mang giày ống cao bồi thể hiện sự dày dạn ngoài vòng pháp luật của thời đại trước. Trong buổi chiếu Touki-Bouki ngoài trời, một nhóm thanh niên không công nhận chàng Niang là nhân vật điện ảnh lãng mạn, và chế nhạo sự cố chấp, “cố gồng mình” của chàng. Sau đó, ông già Niang thoáng thấy một chiếc xe máy gắn sừng bò, giống như chiếc ông đã cưỡi bốn mươi năm trước. Gã lái xe là một kiểu nổi loạn khác hẳn.


Bốn mươi năm sau, trong Nghìn mặt trời 
Gây thương tâm và kích thích tư duy, Nghìn mặt trời lần theo mối liên hệ quá khứ và hiện tại của Senegal, suy ngẫm về một di sản điện ảnh chưa được đánh giá đúng mức ở phương Tây cũng như ở châu Phi. Nghìn mặt trời dài 45 phút được trình chiếu vào thứ ba ngày 20.1.2015 tại bảo tàng Nghệ thuật hiện đại cùng với phim ngắn Atlantiques của đạo diễn Mati Diop. Phim tài liệu Atlantiques dài 16 phút, phụ đề tiếng Swahili (còn gọi Kiswahili, thuộc nhóm Bantu, ngôn ngữ chung ở Đông Phi), mô tả nỗi trăn trở của một thanh niên giống vợ chồng Mory và Anta ngày xưa về chuyến đi xa đến châu Âu.

Trước kia, người da màu hậu thuộc địa nung nấu ý định vượt biên do bị thúc ép bởi cuộc khủng hoảng bản sắc văn hóa. Trong Atlantiques cũng như bộ phim tuyệt vời The Pirogue năm 2012 của đạo diễn Moussa Touré, lưu dân ngày nay phải đối mặt hiện thực đương đại trần trụi, tàn bạo hơn nhiều với bao nhiêu thảm họa đói nghèo, tình trạng nguy hiểm và hoàn cảnh tuyệt vọng.

Tri Sơ tổng hợp
Theo Thời báo New York