Cơ quan phụ trách bầu cử

Cơ quan phụ trách bầu cử Ba Lan

- Thứ Sáu, 19/09/2014, 08:48 - Chia sẻ

Theo quy định của pháp luật về bầu cử Ba Lan, hệ thống cơ quan phụ trách bầu cử ở Ba Lan đứng đầu là Ủy ban Bầu cử quốc gia, cơ quan bầu cử cấp dưới gồm có Ủy ban Bầu cử vùng và Ủy ban Bầu cử cấp quận, huyện. Ủy ban Bầu cử quốc gia là cơ quan thường trực về bầu cử, có thẩm quyền cao nhất tiến hành các cuộc bầu cử Nghị viện, bầu cử Tổng thống và trưng cầu dân ý trên toàn quốc. Các ủy ban bầu cử cấp dưới do Ủy ban Bầu cử quốc gia thành lập, bổ nhiệm. Ủy ban Bầu cử quốc gia là cơ quan độc lập, có con dấu riêng. Cơ quan hành chính, giúp việc của Ủy ban Bầu cử quốc gia là Văn phòng Bầu cử quốc gia.

Ủy ban bầu cử Quốc gia có 9 thành viên gồm Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch và 6 thành viên. Trong đó, 3 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, do Chánh án Tòa án Hiến pháp bổ nhiệm (Chủ tịch Ủy ban Bầu cử là thẩm phán của Tòa án Hiến pháp); 3 thẩm phán của Tòa án Tối cao, do Chánh án thứ nhất của Tòa án Tối cao bổ nhiệm; 3 thẩm phán của Tòa án Hành chính tối cao, do Chánh án của Tòa án Hành chính tối cao chỉ định. Ngoài ra còn có Thư ký của Ủy ban Bầu cử, là người đứng đầu Văn phòng bầu cử quốc gia, tham gia các cuộc họp với vai trò tư vấn.


Thành viên của Ủy ban bầu cử chỉ được làm thành viên của 1 ủy ban bầu cử. Họ không được là ứng cử viên trong cuộc bầu cử, hoặc là người đại diện bầu cử, cơ quan tài chính hay người quản lý. Thành viên của Ủy ban bầu cử khi kết thúc nhiệm kỳ có thể đăng ký để trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử hoặc là người đại diện hoặc người quản lý. Các thành viên của Ủy ban Bầu cử không được tiến hành vận động bầu cử cho các ứng cử viên. Các thành viên của Ủy ban Bầu cử quốc gia thực hiện nhiệm vụ của mình ở Ủy ban, không được thực hiện nhiệm vụ với tư cách là một thẩm phán.

Ủy ban họp vào một ngày được chỉ định trong tuần. Thành viên của Ủy ban được yêu cầu phải tham gia vào cuộc họp và các hoạt động; nếu không dự được thì phải thông báo cho Chủ tịch hoặc thư ký của Ủy ban. Cuộc họp của Ủy ban được diễn ra khi có ít nhất 5 thành viên, trong đó có Chủ tịch ủy ban hoặc một trong các Phó chủ tịch. Các nghị quyết hoặc quyết định của Ủy ban sẽ được thông qua bằng đa số phiếu. Trường hợp số phiếu bằng nhau thì theo quyết định của Chủ tọa điều hành cuộc họp. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban và các Phó chủ tịch tiến hành bỏ phiếu riêng, nếu số phiếu bằng nhau, theo yêu cầu của các thành viên phải tiến hành bỏ phiếu kín.

Ủy ban Bầu cử quốc gia có các nhiệm vụ sau: 1) Giám sát việc chấp hành pháp luật bầu cử; 2) Giám sát hoạt động và cập nhật các đăng ký của cử tri và chuẩn bị danh sách cử tri; 3) Bổ nhiệm các ủy ban bầu cử vùng, quận và giải tán các ủy ban bầu cử này sau khi các ủy ban này đã hoàn thành nhiệm vụ theo luật định; 4) Bổ nhiệm, miễn nhiệm ủy viên ủy ban bầu cử địa phương; 5) Giải quyết khiếu nại về ủy ban bầu cử cấp quận và thành viên của ủy ban bầu cử; 6) Thực hiện và công bố kết quả bỏ phiếu và kết quả bầu cử; 7) Báo cáo mỗi cuộc bầu cử cho Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Thủ tướng; 8) nâng cao kiến thức của người dân về luật bầu cử, đặc biệt là nguyên tắc bỏ phiếu; 9) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Ủy ban bầu cử còn có nhiệm vụ công bố số liệu thống kê về kết quả bỏ phiếu và kết quả bầu cử.