Cơ quan phụ trách bầu cử: Ủy ban Bầu cử cũng dễ trở thành “bên bị”

- Thứ Sáu, 27/04/2007, 00:00 - Chia sẻ
Ủy ban Bầu cử của mỗi quốc gia là cơ quan được lập ra theo Hiến pháp của quốc gia đó nhằm tiến hành những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Mặc dù có chức năng như một cơ quan trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp trong bầu cử nhưng đôi khi họ rất dễ trở thành “bên bị”.

    

      Bỏ mới, lập cũ
      Là tổ chức nghiệp đoàn thường trực của Chính phủ Ukraine, Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine (CEC) được trao quyền giám sát và tiến hành các cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội và chính quyền địa phương ở nước này. CEC lấy kinh phí trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Ủy ban bao gồm 15 thành viên. Mỗi thành viên được Quốc hội (Verkhovna Rada) Ukraine bổ nhiệm nhiệm kỳ 7 năm. 
      Tuy nhiên, đấy là khi tình hình chính trị nước này đang ổn định. Còn với cuộc khủng hoảng trên chính trường Ukraine hiện nay, CEC tất phải “chịu trận”. Với lời cáo buộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Viktor Yanukovych tìm cách “dụ dỗ” một cách bất hợp pháp 11 nghị sỹ là đồng minh của Tổng thống Yushchenko về phía liên minh nhằm tăng thế đa số tại Quốc hội, ngày 2.4 vừa qua, Tổng thống Viktor Yushchenko đã ban hành sắc lệnh giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm được ấn định vào ngày 27.5. 
      Liên minh thân Nga của ông Yanukovych hiện có 261 ghế trong số 450 ghế tại Quốc hội. Nếu liên minh này có thêm 39 ghế nữa, họ có thể thay đổi Hiến pháp để làm suy yếu quyền lực của Tổng thống. Vì vậy, Quốc hội Ukraine đã thách thức sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống Yushchenko. Theo hãng tin Nga Interfax, ngay tối 2.4, với đa số phiếu ủng hộ (261/450), Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành giải tán CEC hiện tại và không cấp kinh phí cho các cuộc bầu cử sớm, đồng thời khôi phục CEC cũ với các thành viên hồi năm 2004, năm xảy ra cuộc Cách mạng cam”.  


      Ủy ban Bầu cử phạt oan
      Ông Boonmark Sirinawakul, ứng cử viên đảng Dân chủ của Thái Lan trong cuộc tổng tuyển cử năm 2001, đã dọa kiện Ủy ban Bầu cử (EC) và đòi cơ quan này bồi thường danh dự 100 triệu baht sau khi được tòa tuyên trắng án hồi tháng 2.2005 đối với tội danh mua phiếu bầu. Số là EC đã phạt Boonmark một thẻ đỏ, cấm ông này không được vận động tranh cử ở tỉnh Ratchaburi và đình chỉ quyền bầu cử của ông ta trong 10 năm với lời cáo buộc ông đã mua phiếu bầu. Vụ việc này đã được lập thành hồ sơ tội phạm chống lại Boonmark ở Tòa án tỉnh Ratchaburi, buộc tội ông ta gian lận trong vận động tranh cử. 
      Tuy nhiên, trớ trêu thay, theo Thẩm phán phiên tòa Kamhaeng Ketmak, trong vụ xét xử này, 10 nhân chứng đã cung cấp các chứng cứ mâu thuẫn nhau và có ít nhất 2 nhân chứng thừa nhận có ác cảm với Boonmark, nên không đủ chứng cứ kết tội ông ta và tòa buộc phải hủy bỏ vụ này. 
      Sau khi trắng án, Boonmark đã hùng hồn tuyên bố: “Sau 4 năm bao nhiêu oan khuất mà tôi và gia đình phải gánh chịu, giờ đây tôi đã làm rõ được sự thanh sạch của mình”. Boonmark cũng đề nghị luật sư Thanuwat Phumee tiến hành thủ tục kiện EC đã phạt ông không đúng. 
      Cựu thành viên EC Sawat Chotipanit, người có liên quan tới vụ Boonmark, thẳng thắn nói: “Ông Boonmark có quyền kiện EC, nhưng tòa án sẽ quyết định có mở phiên tòa hay không vì không đủ chứng cứ kết tội, không có nghĩa là Boonmark vô tội. EC hoàn toàn minh bạch khi quyết định phạt thẻ đỏ với Boonmark, dựa trên chứng cứ nhìn thấy về chiến dịch vận động bầu cử không công bằng”. 
      Suýt nữa thì bị kiện
      Một ứng cử trong cuộc bầu cử lập pháp đặc biệt hồi năm ngoái đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án hạt Hinds, bang Mississippi, Mỹ, yêu cầu Ủy ban Bầu cử bang (EC) hủy bỏ quyết định kéo dài thêm thời hạn vận động tranh cử của các ứng cử viên.
      Luật sư Jim Arnold ở Kosciusko là ứng cử viên chạy đua vào chiếc ghế Thượng viện ở Quận 14 còn bỏ trống sau cái chết của Thượng nghị sỹ Robert “Bunky” Huggins, R-Greenwood. Cả 4 cuộc bầu cử lập pháp đặc biệt - 2 ghế ở Thượng viện và 2 ghế ở Hạ viện còn bỏ trống - đều diễn ra vào ngày 7.11.2006. Ban đầu, thời hạn chót dành cho vận động tranh cử của các ứng cử viên cho 4 cuộc bầu cử lập pháp đặc biệt ở bang này là ngày 8.9.2006. Nhưng EC đã bỏ phiếu thông qua việc lùi thời hạn đến 24.10.  
      Trong kiến nghị gửi tòa, ông Arnold nói rằng sự gia hạn này là không hợp pháp vì trong luật của bang có ghi: việc gia hạn thời gian vận động tranh cử trong một cuộc bầu cử đặc biệt sẽ “không dưới 10 ngày” trước cuộc bầu cử. Tòa án hạt Hinds không xem xét kiến nghị trên với lý do “không dưới 10 ngày” không phải là “chính xác 10 ngày”.


      Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Bầu cử Quốc hội Việt Nam
       - Lãnh đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội
      - Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử
      - Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử
      - Nhận và xem xét hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; gửi tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đến Ban thường trực Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
      - Nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban bầu cử gửi đến
      - Quy định mẫu thẻ cử tri và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội
      - Lập và công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước
      - Xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử
      - Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử do Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử gửi đến; làm biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước
      - Xét và quyết định việc bầu cử lại, bầu cử thêm hoặc huỷ bỏ kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử
      - Công bố kết quả bầu cử trong cả nước
      - Cấp giấy chứng nhận cho đại biểu trúng cử
      - Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội khoá mới biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và những hồ sơ, tài liệu về bầu cử

Hạnh Thi