Cơ quan phụ trách bầu cử: Trọng tài của cuộc đua tới quyền lực

- Thứ Sáu, 27/04/2007, 00:00 - Chia sẻ
Cơ quan phụ trách bầu cử là thiết chế quan trọng để duy trì nền dân chủ. Họ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử và gián tiếp góp phần thúc đẩy nền quản trị quốc gia và pháp quyền. Chính vì vai trò như vậy nên địa vị của ủy ban bầu cử thường được quy định ngay trong Hiến pháp. Thậm chí Hiến pháp Costa Rica và Venezuela còn coi cơ quan này là nhánh quyền lực thứ tư, ngang với lập pháp, hành pháp và tư pháp.

      Trên thế giới có hai mô hình ủy ban bầu cử: mô hình ủy ban bầu cử thường xuyên và mô hình ủy ban bầu cử tạm thời. Ủy ban bầu cử thường xuyên hoạt động thường xuyên, ngay cả khi bầu cử kết thúc, có nhân sự chuyên nghiệp riêng, còn ủy ban bầu cử tạm thời chỉ họat động trong thời gian bầu cử, sau đó giải tán, nhân sự cũng thuê tạm thời. Một nghiên cứu về cơ quan phụ trách bầu cử ở 148 nước đã đưa đến kết luận: ngày càng có nhiều nước chọn mô hình ủy ban bầu cử thường xuyên, độc lập với chính phủ bởi cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra sự ổn định hơn cho nền dân chủ.
      Có thể nói ủy ban bầu cử cần có những đặc điểm chính sau đây: độc lập, hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp. Đó là cơ quan độc lập với nhánh hành pháp, do nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm từ danh sách do đảng phái đề cử và phải được nghị viện chấp thuận, có lương bổng ổn định, có khoản ngân sách riêng, có chế độ chi tiêu riêng, quy trình thuê nhân sự linh hoạt hơn quy trình của bộ máy hành chính. Các thành viên của ủy ban thường là thẩm phán, luật sư, giáo sư luật, đại diện của các chính đảng và các tổ chức dân sự. Thẩm phán – thành viên ủy ban bầu cử thường do tòa án cử ra, còn các thành viên khác do các tổ chức dân sự và đảng phái có ghế trong nghị viện đề cử. Hiến pháp nhiều nước quy định rõ thẩm quyền của ủy ban bầu cử như cách thức tổ chức bầu cử; thiết lập các khuôn khổ và quy trình bầu cử; đăng ký danh sách cử tri, đảng phái và ứng viên; giám sát; giải quyết tranh chấp…Những yếu tố này nhằm mục đích giúp ủy ban bầu cử có một vị thế, thực lực để thực hiện được sứ mệnh của mình là “vị trọng tài” trong cuộc đua tới quyền lực. Sứ mệnh đó là đảm bảo một cuộc bầu cử tự do, bình đẳng, và chỉ có thế ủy ban bầu cử mới duy trì được niềm tin của công chúng vào bầu cử và nền dân chủ. Như một cuộc điều tra xã hội học toàn quốc ở Ấn Độ cho biết, 62% người dân nước này coi thành viên ủy ban bầu cử là đáng tin cậy nhất trong số 9 nhóm người của công quyền. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là lòng tin của người dân vào một cơ quan phụ trách bầu cử độc lập, công bằng, hiệu quả, có đóng góp lớn vào thành công của một nền dân chủ đại diện.

Nguyên Lâm