Cơ quan phụ trách bầu cử: Các hệ thống cơ quan bầu cử và tác động chính trị

- Thứ Sáu, 27/04/2007, 00:00 - Chia sẻ
Hiến pháp và Luật Bầu cử ở mỗi nước đều có những quy định riêng về cơ quan phụ trách bầu cử. Có nơi cơ quan này chỉ hoạt động tạm thời trong thời gian nhất định, có cơ quan hoạt động thường trực, độc lập, không độc lập, hỗn hợp... Mỗi hệ thống cơ quan bầu cử trên đều có những ưu, nhược điểm riêng và ở mức độ nhất định, cũng phản ánh tiến trình dân chủ của nước đó.

      Cơ quan bầu cử không thường trực được thành lập và hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, thường là trước khi cuộc bầu cử diễn ra vài tháng. Ưu điểm lớn nhất của hệ thống này là tiết kiệm được ngân sách. Ngòai ra, một cơ quan được thành lập mang tính "vụ việc" như thế cũng có ưu điểm là do chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, một số cơ quan của Chính phủ, Hội đồng Lập pháp địa phương... có thể cung cấp nhân sự cho cơ quan này. Hệ thống này có nhược điểm là tính độc lập bị hạn chế. Bên cạnh đó, do chỉ phục vụ cho một cuộc bầu cử nên hoạt động của nó không mang tính liên tục, không tích lũy được kinh nghiệm, không có khả năng hoàn thiện hóa quy trình bầu cử. Và, một cơ quan lâm thời cũng không có đủ thời gian để củng cố tổ chức và đưa ra chương trình hành động cho cụ thể, hiệu quả.
      Cơ quan bầu cử thường trực được thành lập với nhiệm kỳ vài năm và phụ trách tất cả các cuộc bầu cử trong nước. Việc duy trì một cơ quan thường trực đòi hỏi nhà nước phải chi những khoản tiền khá lớn. Tuy nhiên, cơ quan thường trực có những ưu điểm vượt trội. Do chỉ phải chuyên tâm hoạt động cho một cơ quan, nên các nhân viên của ủy ban bầu cử thường thường toàn tâm toàn ý với công việc, cũng như được trau dồi kiến thức và nghiệp vụ thường xuyên trong công tác. Hoạt động của họ sẽ mang tính chuyên nghiệp cao. Việc cơ cấu và tổ chức nhân sự cũng sẽ được chuyên môn hóa, giúp thúc đẩy hiệu quả hoạt động. 
      Cơ quan bầu cử độc lập thường do Tổng thống hoặc Nghị viện thành lập với nhiệm kỳ từ 3-7 năm trên cơ sở có được sự tán thành của tất cả các đảng phái. Những người được "chọn mặt gửi vàng" thường là các giáo sư, thẩm phán, những cá nhân có uy tín trong xã hội. Theo quy định của nhiều nước, sau khi được bổ nhiệm vào cơ quan bầu cử, các thành viên phải bảo đảm không có quan hệ với bất kỳ chính đảng nào. Chức Chủ tịch của cơ quan này thường được trao cho một thẩm phán cấp trung ương. Một nhân tố quan trọng nhằm bảo đảm tính độc lập của cơ quan phụ trách bầu cử là việc tự quản về ngân sách. Tuy nhiên, các cơ quan bầu cử độc lập thường rất khó chứng tỏ tính "công tư phân minh" của mình, và đôi khi bị đánh giá là "hữu danh vô thực".
      Khác với hệ thống trên, một số nền dân chủ đa nguyên lại thành lập các cơ quan phụ trách bầu cử phụ thuộc, tại đó, tất cả các chính đảng tham gia bầu cử đều có đại diện tại cơ quan này và số đại diện của họ ngang bằng nhau. Điều đó cho phép các đảng giám sát lẫn nhau. Hệ thống này cũng có ưu điểm là tiết kiệm được ngân sách nhà nước bởi phần lớn các thành viên của đảng khi tham gia cơ quan đều tình nguyện hoạt động không công hoặc chi phí sẽ do đảng đó lo liệu.
      Tuy nhiên, hệ thống này cũng có những nhược điểm, nhất là đối với những nền dân chủ đa nguyên mới phát triển, khi số lượng đảng phái quá đông. Trong trường hợp này, khó có thể bảo đảm tính đại diện bình đẳng bởi một số đảng lớn thường liên kết để hất cẳng những đảng nhỏ. Bên cạnh đó, các thành viên của cơ quan bầu cử, vốn là đại diện của các đảng nên thường coi trọng lợi ích của đảng mình. Không ít trường hợp một số thành viên đã nghe theo chỉ thị của đảng mình để chống lại một số quyết định của cơ quan bầu cử. 
      Cơ quan bầu cử hỗn hợp là cơ quan mà các thành viên vừa là đại diện của các đảng vừa có các cá nhân độc lập. Ở một số nước cho áp dụng hệ thống này, các thành viên là đại diện của các đảng phái chính trị được quyền tham gia nhưng không được quyền bỏ phiếu đối với những đề xuất.
      Tòa án Bầu cử đặc biệt: Ở một số nước như Romania và Pakistan, một số thẩm phán được chỉ định chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử. Về nguyên tắc, hoạt động này có thể giúp cơ quan tư pháp tăng cường tính độc lập của mình, tuy nhiên, trên thực tế, nó có thể gây ra những tác dụng ngược nếu nhánh tư pháp hoạt động không độc lập với nhánh hành pháp và lập pháp.
      Cơ quan bầu cử là một bộ thuộc Chính phủ: Trong trường hợp này, các cơ quan bầu cử, kể cả lâm thời hay thường trực sẽ không phải thành lập mà thay vào đó, nhiệm vụ tổ chức bầu cử sẽ do một bộ thuộc Chính phủ phụ trách, thường là Bộ Nội vụ. Hệ thống này có ưu điểm là nhân viên phụ trách bầu cử đều là những người có kinh nghiệm, đặc biệt là trong những công việc như lập danh sách cử tri, phát thẻ chứng minh nhân dân,... Tuy nhiên, hạn chế của hệ thống cơ quan này là không bảo đảm tính trung lập trong giám sát bầu cử và các nhân viên của Bộ Nội vụ có thể bị "quá tải" vì phải gánh thêm nhiệm vụ tổ chức bầu cử. Hệ thống này được áp dụng phổ biến ở Algeria, Bỉ, Đan Mạch, Hungary, Bờ Biển ngà, Senegal.
      Các hệ thống khác: Tại một số nước, cơ quan phụ trách bầu cử là một dạng tổng hợp của các hệ thống kể trên. Ví dụ, Viện bầu cử liên bang Mexico chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử trong khi tòa án bầu cử chịu trách nhiệm xem xét khiếu nại. Tại Argentina, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm tổ chức còn tòa án bầu cử đưa ra quyết định cuối cùng về các đơn thư khiếu nại.

Quốc Đạt