Chỉ định nhà đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Có nhất thiết phải là ACV?

- Thứ Tư, 30/10/2019, 08:09 - Chia sẻ
Chính phủ vừa có báo cáo đề xuất Quốc hội xem xét giao Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư - khai thác dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Việc chỉ định ACV thực hiện dự án thay vì tổ chức đấu thầu sẽ rút ngắn 1,5 năm, bảo đảm tiến độ đến năm 2025 hoàn thành giai đoạn 1 theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy vậy, điều này khiến các ĐBQH băn khoăn, thậm chí cho rằng không nhất thiết phải là ACV.

“Bước đột phá trong đầu tư công”

Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh), đây là dự án cấp bách quan trọng quốc gia, có quy mô lớn với nguồn vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi phải xử lý đồng bộ nhiều dự án thành phần khác nhau. Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng như nhà thầu có năng lực, chuyên môn, trình độ công nghệ, có hiểu biết về lĩnh vực này rất quan trọng để bảo đảm đáp ứng được tất cả đòi hỏi về tính năng kỹ thuật. Thêm vào đó, vì là dự án có liên quan đến an ninh quốc gia, việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước là một giải pháp hợp lý. Xét trong bối cảnh hiện nay, ACV là ứng cử viên sáng nhất.


Phối cảnh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành trong tương lai
Nguồn: ADCC

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng đồng tình với phương án chỉ định ACV là nhà đầu tư dự án, mặc dù các dự án đầu tư công phải tuân thủ việc đấu thầu. Ông phân tích: Nếu đấu thầu sẽ mất 1,5 - 2 năm, mà thời gian là tiền bạc! Thêm nữa, “theo đánh giá cũng chỉ có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước mới bảo đảm được các tiêu chí. Trong khi đó, chúng ta muốn triển khai sớm dự án. Vì vậy, chỉ định trong trường hợp này là cần thiết và ACV - với năng lực, kinh nghiệm sẵn có - là lựa chọn hợp lý hơn cả”, ông Thân nói.

Trong khi đó, dù đồng tình với việc nên chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án vì có liên quan an ninh quốc gia và ACV hiện là đơn vị có kinh nghiệm xây dựng các cảng hàng không nhất song ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) vẫn băn khoăn. Ông Cường đặt vấn đề: Có phải các doanh nghiệp khác trong nước chưa có kinh nghiệm thì không thể làm cảng hàng không? Câu trả lời là không đúng, minh chứng rõ nhất là Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn do tư nhân thực hiện.

Thêm nữa, Chính phủ lý giải ACV có tiềm lực nguồn vốn. Song thực tế doanh nghiệp này cũng chỉ bảo đảm khoảng 1/3 vốn, tức phải đi vay khoảng 2,6 tỷ USD. Mặc dù khoản vốn này không do Chính phủ bảo lãnh thì không tính vào nợ công, nhưng khi huy động nguồn vốn đó từ các tổ chức tài chính nước ngoài thì lại tính vào nợ quốc gia. Trong khi đó, nhiều tập đoàn trong nước có nguồn vốn không thua kém ACV. Nếu huy động được sự tham gia của các tập đoàn này thì “có thể chúng ta không chỉ huy động đủ vốn cho giai đoạn 1”, ông Cường tin tưởng.

Ngoài ra, Chính phủ cho rằng, khi chỉ định ACV sẽ tiết kiệm được thời gian là 1,5 năm so với tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, ACV có khoảng 95% vốn nhà nước (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang nắm giữ gần 95,4% vốn điều lệ) nên ngay khi được giao làm chủ đầu tư dự án thì doanh nghiệp này lại phải đấu thầu các hạng mục công trình để triển khai. Bởi theo quy định, bất kỳ hạng mục nào từ 1 tỷ đồng trở lên đều phải đấu thầu chứ không thể chỉ định, trong khi đó dự án này lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng, số lượng gói thầu con trong đó sẽ rất lớn. “Thực tế đã chứng minh, nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ là do đấu thầu”, ông Cường khuyến cáo.

Nên để doanh nghiệp tư nhân “bắt tay nhau”?

Mặc dù việc lựa chọn ai làm chủ đầu tư dự án vẫn còn gặp những ý kiến trái chiều giữa các ĐBQH, song đa số đều đồng tình cho rằng cần công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án.

ĐBQH Trần Anh Tuấn đề xuất, dù giao cho ACV hay bất cứ một đơn vị nào, dưới bất kỳ hình thức nào để thực hiện dự án quan trọng này cũng cần có lộ trình cụ thể như trong 6 tháng thực hiện được những gì, trong 1 năm làm đến đâu? Quá trình thực hiện dự án và kết quả thi công phải được công khai, minh bạch để cả xã hội giám sát về tiến độ, chất lượng.

Nhìn từ kinh nghiệm Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn làm nhanh vì tư nhân thực hiện nên không phải đấu thầu, họ cứ thấy đơn vị nào làm tốt, hiệu quả thì sẽ giao ngay, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành cũng nên để các doanh nghiệp tư nhân trong nước được “bắt tay nhau làm”.

“Phương án tốt nhất là Chính phủ nên mời tất cả nhà đầu tư tư nhân ngồi lại với nhau, dưới sự chủ trì của Chính phủ. Tại đó, Chính phủ nêu ra mong muốn dự án thế này, đưa ra thiết kế hoàn chỉnh, đặt hàng cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chọn mảng mà mình có thế mạnh để tham gia, tức đó phải là một tổ hợp chứ không phải riêng một cá nhân hay đơn vị nào. Trong đó, ACV có thể tham gia vì họ có kinh nghiệm quản lý. Nếu làm được như thế thì chắc chắn sẽ huy động vai trò của khối tư nhân hơn, đẩy nhanh được tiến độ dự án hơn. Bởi khi tư nhân làm thì họ sẽ tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ”, ông Cường tin tưởng. 

Tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất Quốc hội 4 vấn đề liên quan tới Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, trong đó có hình thức đầu tư. Cụ thể, Chính phủ đề xuất giao ACV là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước. ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận tổ chiều 24.10, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án, nhận định: “Việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có”.

Vũ Thủy