Bạn đọc viết

Có nên nới các quy định về mang thai hộ?

- Thứ Sáu, 02/08/2019, 07:54 - Chia sẻ
Sau 5 năm tổ chức triển khai Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đã có 406 trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Từ thực tiễn triển khai, Bộ Y tế đã đề xuất việc nới lỏng các quy định liên quan đến việc mang thai hộ, tạo thuận lợi hơn cho vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có thể có con mang huyết thống của mình; đồng thời hạn chế việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tạo cơ chế pháp lý khá hoàn chỉnh cho việc mang thai hộ, cụ thể là từ Điều 93 đến Điều 100 đã có các quy định liên quan đến xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; điều kiện mang thai hộ; thỏa thuận về mang thai hộ; giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ. Dựa trên các quy định này, Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định cụ thể hơn nữa về mang thai hộ nhằm bảo đảm cơ chế, giải quyết hậu quả pháp lý của việc mang thai hộ; bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ, bảo vệ bên mang thai hộ và nhờ mang thai hộ.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định cho phép mang thai hộ khi bảo đảm các điều kiện: Không vì mục đích thương mại (nghiêm cấm đẻ thuê); chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ hoặc chứng minh có họ hàng 3 đời. Các quy định này nhằm tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh như điều kiện của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ (tuổi, sức khỏe, số lần mang thai…); quyền và nghĩa vụ của các bên (trong đó có trường hợp tai biến sản khoa đối với người nhờ mang thai hộ (nếu có), trách nhiệm của các bên trong trường hợp đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị tật; thủ tục hành chính; biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tuy nhiên, quy định “chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi có quan hệ thân thích cùng hàng” rất khó thực hiện. Thực tế, quan hệ thân thích cùng hàng rất rộng, người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ; người có họ trong phạm vi 3 đời cùng hàng với vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. Đặt giả thiết, một người quê quán một nơi, lớn lên và làm việc nơi khác thì ai sẽ là người xác định người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có quan hệ thân thích cùng hàng? Vì chỉ những người trong họ tộc mới biết, nhưng họ tộc xác nhận có là căn cứ pháp lý được không? Đó là chưa kể, việc chứng minh quan hệ nuôi dưỡng rất khó, khi mà Luật Hôn nhân và gia đình, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có hướng dẫn xác nhận quan hệ thế nào là quan hệ nuôi dưỡng. Thực tế, việc nhận anh, chị em nuôi rất nhiều, chỉ cần gia đình đồng ý là được chấp thuận, nhưng chưa có văn bản nào quy định phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền mới là quan hệ “nuôi dưỡng”. Hiện nay pháp luật mới chỉ điều chỉnh quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi. Vì chưa có quy định rõ ràng và chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nên người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đây là một trong những nguy cơ có khả năng dẫn đến mang thai hộ vì mục đích thương mại. Từ thực tế này, Bộ Y tế đề xuất có thể nới lỏng các quy định về điều kiện mang thai hộ và nhờ mang thai hộ để nhiều trường hợp các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có thể có con mang huyết thống của mình.

Phạm Hải