Cỏ nam cỏ tây ngả về đâu?

- Thứ Năm, 09/09/2010, 00:00 - Chia sẻ

Nằm nghe trộm con gái nói chuyện điện thoại trong phòng nó:

- 400 thì rẻ, nhưng toilette lại ở tầng trên. Bất tiện!

Tiếp: - Hay thuê cái này được không, 550 euros? Mà không được, bỏ đi, tầng sáu không có thang máy, mệt chết !

Tiếp (reo mừng): - Phòng này tuyệt quá! 650 mỗi đứa, hơi đắt, nhưng gần trường! Bọn mình lấy hẹn đi xem ngay nhé!

Điên cả người. Ranh con, làm như tiền của nó không bằng!

Chờ nó gác máy, mình léo nhéo sang:

- Con gái này, mẹ chưa trúng xổ số nhé! Mà ông chủ của mẹ cũng không định trả thêm lương 650 euros một tháng cho con gái mẹ thuê phòng ở riêng đâu đấy. Đừng có vội mơ!

Nó nhào sang thơm mẹ chút chụt:

- Mẹ không phải lo nữa. Ngân hàng trả. Lớp con mở tài khoản ở CIC cả rồi. Người ta cho vay không lấy lãi, học xong mới trả... Hi hi...

Ngân hàng khôn quá khi đầu tư cho lũ trẻ trường này. Đến tận nơi thưởng tiền cho các học sinh tốt nghiệp được xếp loại, lại còn xúi giục chúng vay tiền.

- Mở tài khoản riêng không hỏi mẹ một câu vậy?

- Con mười tám tuổi rồi... lớn rồi mà.

Chán nhỉ. Bọn trẻ sinh bên này chỉ chực mười tám tuổi để thoát khỏi cha mẹ thật nhanh.

Mình vẫn nhớ phút run rẩy khi đặt bút nắn nót ghi cái tên trường Louis Le Grand lên phần nguyện vọng số một trong hồ sơ xin vào trung học của con gái cách đây ba năm, một trường nổi tiếng của Pháp là hành và sát học trò. Nhưng những ai có con trụ được đến cùng ở đây đều có thể yên lòng cho tương lai của chúng.

Con mình may mắn. May mắn vì nó là người Việt Nam. Người Việt được tiếng là thông minh, nghiêm túc trong trường này. Trường cũng thực sự mong muốn tạo cơ hội cho những học trò ở ngoại ô.

Hồi hộp tới ngày được nhập trường. Rồi lo! Lo sao cho con bé chậm chạp theo được những đòi hỏi cao của chương trình… LLG không hướng tới việc thi đỗ phổ thông trung học 100% (vì đối với họ là hiển nhiên) mà rèn luyện cho bọn trẻ có phương pháp học: nhanh, hiệu quả để có thể theo nổi chương trình của các lớp dự bị thi vào các trường đại học lớn (classe préparatoire aux grandes écoles). Học trò được chọn tới đây từ mọi miền nước Pháp và các nước thuộc Pháp, vốn được nuông chiều với điểm số 19/20 trong suốt quá trình học từ nhỏ đến lớn nơi mình ở, bị sốc trước cách chấm gắt gao của trường. Bị giáng điểm 4,5/20 liên tiếp… nhiều đứa khóc lóc thảm hại sau mỗi giờ trả bài kiểm tra.

Trò khóc, thầy cô buồn, cha mẹ hoang mang.

Có cảm giác mình đang đày đọa con. Ngày ba tiếng đi lại từ nhà đến trường, quận V Paris. Gặp hôm tàu xe đình công 10 giờ tối nó mới lọ mọ về. Cuống quýt ăn để cắm đầu vào bài tập đến hai, ba giờ sáng. Mỗi sáng trời còn mù mịt tối, thấy con bé còm cõi cõng cái túi đến cả chục ký lô sách vở ra khỏi nhà, miệng còn loang vệt sữa sôcôla, chạy xe buýt, chạy tàu như người lớn đi làm… mà ân hận. Bạn bè Tây vốn coi trọng hoạt động giải trí của con cái, trách mình giết cả tuổi thơ của con. Có lúc nản lòng chỉ mong con bị loại.

Thực ra những tin đồn LLG thải đám học trò không đủ khả năng sau vài tháng là không chính xác làm cho nhiều bậc cha mẹ sợ, không dám cho con nộp hồ sơ vào trường. Bọn trẻ năm đầu được theo dõi và kèm cặp sít sao. Thầy cô tự nguyện ở lại giảng thêm giờ miễn phí. Ban phụ huynh học sinh (gồm cả những cựu phụ huynh và cựu học sinh của trường đã thành đạt) phối hợp với thầy cô, nắm vững điểm mạnh yếu của từng em, đưa thêm các bài tập lên mạng, gọi điện động viên, giữ liên lạc thường xuyên với các phụ huynh khác. Điểm của chúng cũng dần nhúc nhích. Bọn trẻ trong những tháng đầu chỉ co vào một góc, ai lo bài người nấy, dần dần xích lại gần nhau, tổ chức nhóm học chung.
Trong ba năm, dù tốc độ học căng tức thở, nhưng các em theo đà đua nhau, tự tin. Chúng cùng nhau vượt qua kỳ thi phổ thông dễ dàng với cái đích phải đạt điểm xuất sắc và giỏi, vì mình và vì danh dự của trường.

Ở Pháp, các em có thể nộp hồ sơ ghi tên vào thẳng đại học mà không phải thi tuyển, ngoại trừ một số trường bắt buộc thí sinh phải học thêm hai năm dự bị mới được thi tuyển: Polytechnique Paris (Bách khoa), Ecole Centrale (đào tạo kỹ sư), Ecole Normale Supérieure (ĐH Sư phạm), Siences Po (hành chính quản trị), Pont des Chaussées (cầu đường)… Một số trường trả lương cho các em ngay sau khi trúng tuyển. Có nhiều trường ký sẵn hợp đồng với các công ty lớn. Ngày trao bằng tốt nghiệp đại học cũng là ngày có nhiều ông chủ công ty có mặt đón mời các kỹ sư trẻ.

Vào thẳng đại học mà không cần phải thi như các trường: Ecole de Médecines (ĐH Y khoa), Université (Đại học Tổng hợp: Luật, Văn, Triết, Sử…) không có nghĩa là dễ dàng và chắc chắn. Để được học tiếp lên đến năm thứ hai, các em phải trải qua những kỳ sát hạch khổ sở. Trường ĐH Y khoa trung bình chỉ đạt từ 9 đến 24% để được lên tiếp năm thứ hai. Vì vậy dành hai năm được gọi là luyện thi vào các trường lớn, không phải là phí phạm.

Hầu như học trò ở LLG đều không ghi tên vào thẳng đại học ngay mà chuẩn bị cho hai năm dự bị. Chính phủ tặng học bổng cho các em trong hai năm này sau khi xét mức thu nhập của cha mẹ. Ban phụ huynh lập quỹ học bổng riêng bằng cách quyên góp để hỗ trợ. Và những đứa trẻ như con mình, khi cha mẹ có lương đều hàng tháng nhưng không thể dự trù ra một khoản chi phí lớn trong hai năm, có thể cầu viện đến ngân hàng, vay lãi suất thấp, chỉ trả nợ khi đã các cháu đã bắt đầu đi làm. Trợ cấp xã hội Pháp giúp thêm khoảng 30% tiền thuê phòng (Paris khá đắt đỏ).

Louis Le Grand, Henri IV, Saint Louis… là những trường công có tiếng của Paris về tỉ lệ đỗ cao và đào tạo học trò giỏi. Bạn bè mình bên Bộ giáo dục Việt Nam từng sang làm việc ở một trong những trường này. Rất nhiều trường phổ thông trung học khác ở Pháp cũng đang phát triển mô hình tương tự, có các lớp dự bị hai năm để luyện thi vào những trường đại học lớn.

Hỏi con dự tính gì cho tương lai, nó nói con muốn về Việt Nam. Mình phì cười: ai cần đứa ngọng tiếng Việt như con, bên nhà đầy người giỏi! Nó lỏn lẻn: giỏi nhiều, mà đang ở lại đây cả... Mẹ không thấy các anh chị sinh viên bạn mẹ học xong đều ở lại đấy à? Anh M. còn vừa mua nhà nữa đấy!

M, con trai độc nhất của cô bạn rất khá giả của mình ở Việt Nam. Chuyên toán sư phạm Hà Nội, sang học Polytechnique X Paris, vừa tốt nghiệp, nó được mời ngay làm trợ lý giảng dạy cho một trường đại học ở Lyon. Vài tháng nay cậu lại ký hợp đồng dài hạn với hãng Thomson, lương khởi điểm 4.000 euros, được cấp ngay thẻ cư trú. Được mẹ nó giao cho việc khuyên nhủ nó về, mình đã từng thẽ thọt, chẳng mấy tin tưởng: ... M này, tội nghiệp nhỉ, bố mẹ chỉ có mình mày… chẳng biết sau này… Lấy hơi, tiếp: Nghe nói, trình độ của cháu, ở nhà hơn gấp mấy bên này….

Thằng bé lắc đầu nhát một: không đâu cô ơi. Ở nhà, cháu có thể rất giàu, nhưng giàu bằng quan hệ và nhiều cái khác… Cháu sẽ làm những việc không đúng với ngành cháu bỏ công ra học. Bên này cháu làm ra tiền bằng khả năng của mình, sáng tạo của cháu được coi trọng... Ở nhà không cần cháu.

Những trường hợp như M, khó thoát khỏi sự săn đón của các công ty Pháp, Mỹ, Nhật...
Mình đối với tình hình ở trong nước như người trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên. Nó bảo vậy thì biết vậy, chẳng biết nói thế nào. Ừ, về nhà mà bia rượu nhậu nhẹt suốt ngày cũng chỉ làm rầu thêm cha mẹ.

Thôi, mình dẫn con gái đi vay tiền lo cho nó học xong cái đã. Mai này nghĩ tiếp.

NGUYỄN THANH TRÀ(Từ Paris)