Có lộ trình, làm chắc chắn

- Thứ Bảy, 27/06/2020, 05:25 - Chia sẻ
Với xu hướng phát triển của thế giới cũng như nước ta thì việc sửa đổi Luật Cư trú theo hướng cải cách hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư đáp ứng được yêu cầu của người dân trong việc ngày càng giảm sử dụng giấy tờ, tăng cường khoa học công nghệ để quản lý, vừa linh hoạt vừa hiệu quả, giảm công đi lại của người dân, đáp ứng các yêu cầu thực tế quản lý nhà nước về an ninh trật tự cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi thống nhất bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, bằng sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phù hợp và đáp ứng được yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú. Chúng ta đi các nước thấy họ quản lý rất hay, rất nhẹ nhàng nhưng chặt chẽ. Chúng ta cũng mơ ước một ngày nào đó nước ta cũng  được như thế thì đây là một bước chuyển tiếp. Tuy nhiên, cần phải có một lộ trình và thận trọng trong bước chuyển đổi này.

Phải tính toán vừa tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú song song với việc ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý cư trú bằng mã số định danh bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bằng kỹ thuật số cho đến khi nào hệ thống này “chạy” một cách thông suốt, hiệu quả và đảm bảo hoàn toàn thay thế được sổ hộ khẩu và tạm trú thì lúc đó mới chấm dứt được vai trò của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Nếu vẫn còn một điểm sơ hở mà chuyển đổi, giống như chưa xây dựng xong nhà mới đã đập nhà cũ thì chúng ta sẽ gặp khó khăn và đó sẽ là điều kiện tốt cho tội phạm ẩn náu để thực hiện các hành vi phạm tội. Nếu chúng ta quản lý về dân cư, về cư trú kém thì sẽ là nơi ẩn nấp, trốn tránh cho tội phạm. Do đó, phải có một lộ trình, làm một cách chắc chắn để đem lại hiệu quả tốt nhất, đảm bảo an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội vì tất cả loại tội phạm đều nhằm vào đây, nhất là các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức luôn tìm kẽ hở về quản lý cư trú để ẩn náu, lẩn trốn.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố. Về chủ trương này tôi thống nhất, tuy nhiên cần có lộ trình đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là hai siêu đô thị và cũng là nơi đang thu hút người dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác. Riêng TP Hồ Chí Minh mỗi năm tăng thêm 20 vạn dân, 5 năm tăng thêm 1 triệu dân, nếu nói về dân số thì tương đương tăng thêm một tỉnh. Trong khi đó, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở văn hóa, giáo dục và các nhu cầu khác phục vụ đời sống xã hội không tăng theo kịp. Nếu tiếp tục như thế này thì áp lực tăng dân số sẽ đè nặng lên và kéo TP Hồ Chí Minh phát triển chậm lại. Nếu sửa đổi Luật cư trú theo hướng tháo bỏ hết, không có điều kiện gì cho 2 thành phố này thì áp lực dân số không dừng lại ở chỗ 20 vạn dân một năm nữa mà có thể lên 25 - 30 vạn. Sức ép này vốn đã nặng nề lại càng nặng nề hơn nữa thì rất khó.

Phải có lộ trình và cần giữ lại một số điều kiện về kỹ thuật để làm sao phát triển cơ sở hạ tầng về văn hóa, giáo dục cho phù hợp với mức tăng dân số nhập cư để đảm bảo hai yếu tố này tăng song song, nếu không rơi vào tình trạng áp lực dân số trước và cơ sở hạ tầng chạy theo sau, lúc nào cũng chạy theo một cách bị động. Vì lẽ đó, tôi đề nghị giữ lại các điều kiện kỹ thuật cho 2 thành phố lớn này để đảm bảo phát triển toàn quốc và có trọng điểm cho 2 thành phố này. Chúng ta thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn xây dựng tất cả tỉnh thành có một điều kiện sống tốt nhất, gọi là điều kiện đáng sống, đặc biệt là 2 thành phố lớn. Yếu tố về dân cư cũng là một yếu tố hết sức quan trọng, là một tiền đề quan trọng để xây dựng 2 thành phố là nơi đáng sống.

ĐBQH Ngô Minh Châu (TP Hồ Chí Minh)