Góc nhìn

Có khách quan, minh bạch?

- Thứ Hai, 23/03/2020, 07:49 - Chia sẻ
Con trai dự tuyển và vị giám đốc này cũng là chủ tịch hội đồng thi tuyển - khiến nhiều người băn khoăn kết quả liệu có khách quan, minh bạch?

Đó là việc Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa làm Chủ tịch Hội đồng xét tuyển viên chức, còn ứng cử và chỉ có duy nhất một người được tuyển vào vị trí viên chức lại là con trai của Giám đốc. Vậy nên, có những băn khoăn, nghi hoặc là điều dễ hiểu. Dù vị Giám đốc này cho rằng, quy định về xét tuyển viên chức hiện nay không cấm việc bố làm chủ tịch hội đồng khi có con xét tuyển, nhưng dù pháp luật không quy định thì cũng nên có biện pháp ứng xử phù hợp hơn để tránh những xì xào, nghi kỵ rằng không minh bạch, hoặc đây chỉ là thủ tục, là hình thức bởi chắc chắn không thể trượt.

Một vấn đề nữa mà dư luận quan tâm là phải chăng cả tỉnh không ai muốn dự tuyển vào làm việc tại Bảo tàng tỉnh nên chỉ có duy nhất một ứng viên? Những “khúc mắc” này có thể sẽ sớm được làm rõ, bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã giao Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ của Sở thẩm định lại quy trình xét tuyển…

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Luật Hồi tỵ với nghĩa gốc là tránh đi hoặc né tránh quy định: Những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học… thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác. Luật hồi tỵ cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Nguyên tắc nói trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền.

Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời Vua Lê Thánh Tông. Đến thời Minh Mạng, Luật Hồi tỵ triệt để hơn và được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, bổ sung những quy định mới gồm quan lại ở các bộ, trong kinh và ở các tỉnh, huyện nếu có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác... Quan lại ai quê ở phủ, huyện nào thì không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại không được làm quan ở quê mình, quê vợ, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi…

Những quy định cụ thể, đối tượng và phạm vị áp dụng luật rộng đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả hơn…

Trong việc xét tuyển ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, dẫu chưa thể khẳng định là “có gì đó”, nhưng cần thiết phải trả lời có khách quan, minh bạch không?

Khánh Ninh