Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Có khắc phục được những vấn đề gây bức xúc?

- Thứ Năm, 19/09/2019, 07:55 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, UBTVQH đã chỉ ra nhiều vấn đề đặt ra trong thực hiện Luật hiện hành đang đòi hỏi được nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, để sửa đổi toàn diện. Ghi nhận các hạn chế trong quản lý xây dựng được UVTVQH chỉ ra, song Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhiều hạn chế đang được khắc phục nên dự án Luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Chưa phải những nội dung bức xúc nhất

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Nhóm chính sách thứ nhất liên quan đến cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng với các nội dung sửa đổi, bổ sung về thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng; hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng… Nhóm chính sách thứ hai về bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng, gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực xây dựng... Nhóm chính sách thứ ba về hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.


Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Q. Khánh

Một số doanh nghiệp phản ánh, một dự án đầu tư xây dựng nhà ở khoảng 200 tỷ đồng, lãi suất vay 1,5%, nên trung bình mỗi ngày phải 100 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Nếu phải chờ đợi cấp phép xây dựng thêm thì số tiền này sẽ “gánh” lên giá thành bán nhà cho người dân. Hiện tượng này đang tồn tại trong thực tế, song Điều 89, dự án Luật về việc cấp phép và quản lý xây dựng đưa ra những sửa đổi chung chung. Do vậy, cần tiếp tục rà soát dự án Luật, nhất là với các điều khoản quy định về cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng… để bảo đảm rút ngắn quy trình, thời gian, thủ tục thực hiện cấp phép xây dựng.

Trưởng ban Dân nguyện NGUYỄN THANH HẢI

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật Xây dựng hiện hành chủ yếu liên quan đến cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, qua xem xét dự thảo Luật, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhận thấy, những nội dung được sửa đổi chưa thực sự bức xúc và cần thiết phải sửa đổi ngay. Thậm chí, ngay những sửa đổi về nguyên tắc đầu tư xây dựng (Điều 4) hay về xác định loại, cấp công trình xây dựng (Điều 5) - là những nội dung liên quan trực tiếp đến mục tiêu khi xây dựng dự án Luật này, theo Tổng Thư ký QH, mới chỉ được viết cô đọng lại, không sửa đổi cũng không sao.

Các Ủy viên UBTVQH cho rằng, điều quan trọng là việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành có giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng đang khiến người dân bức xúc hay không. Bởi như thực tế được ông Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra, hiện có tình trạng nhiều công trình sai phạm đang tồn tại mà không xử lý được, chỉ phạt cho tồn tại hay các chung cư mặt đường cơi nới như chuồng cọp, nhà siêu mỏng ở đô thị, những nhà tập thể quá niên hạn phải sớm tháo dỡ, di chuyển...

Với những điều khoản được sửa đổi, bổ sung về quy trình, việc lập, thẩm định, xin giấy phép xây dựng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn có bảo đảm giúp giảm thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm, chống lãng phí như cam kết của Ban soạn thảo hay không? Bởi theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thời gian làm thủ tục xin cấp phép xây dựng là vô tận. Thời gian làm thủ tục cấp phép xây dựng trên thực tế đều đổ lên túi tiền của người mua nhà ở. Vì thế, bà Nguyễn Thanh Hải lưu ý, cần làm rõ các quy định cấp phép xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại Điều 89 có thực sự giảm thiểu thời gian tiến hành thủ tục hành chính hay không.

Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Ban soạn thảo nên nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, sau đó tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng hiện hành. Mặt khác, theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, hiện đang tiến hành sửa đổi các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… nên nếu sửa đổi Luật Xây dựng sau, tiếp thu đầy đủ sẽ tốt hơn.

Không thể khắc phục hết các hạn chế?

Thừa nhận trong lĩnh vực xây dựng đang có một số vấn đề rất lớn, có những vướng mắc nhất định, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, không phải tất cả những vấn đề này đều do quy định tại Luật Xây dựng và cũng khó có thể dùng luật này giải quyết được. Việc sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng cũng khó có thể kỳ vọng khắc phục những hạn chế, tồn tại đang đặt ra trong lĩnh vực này. Hơn nữa, hệ thống pháp luật xây dựng liên quan đến rất nhiều luật như đầu tư, đất đai, đầu tư công, quản lý vốn, môi trường…

Vì thế, theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, việc đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy kinh tế tư nhân cũng hợp lý. Mặt khác, việc sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng đã được đặt ra khi tiến hành sửa đổi 37 luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Nhưng do Chính phủ đề xuất nhiều điều, khoản cần sửa đổi tại Luật Xây dựng (63 điều), nên UBTVQH yêu cầu tách ra chỉ sửa đổi trước những điều liên quan đến quy hoạch. Do vậy, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tiếp tục sửa đổi 50 điều còn lại, tập trung vào việc tạo lập môi trường kinh doanh, đơn giản hóa một số thủ tục và tăng cường công tác quản lý, sửa một số điều để tháo gỡ những vướng mắc.

Giải trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, các hạn chế, tồn tại được các Ủy viên UBTVQH đưa ra đều đang được Chính phủ tiếp thu, có những động thái xử lý cụ thể. Hơn nữa, Luật Xây dựng năm 2014 là đạo luật rất lớn, mới thực hiện trong 4 năm, nên lần sửa đổi, bổ sung này chủ yếu hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Các bất cập trong thực tế cũng chỉ được đưa vào điều chỉnh trong luật này sau khi tiến hành tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ. Do vậy, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như phương án Chính phủ đưa ra, phù hợp với phạm vi sửa đổi đã thông qua khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo quy định hiện hành, Chính phủ hoàn toàn được trình ra QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với phạm vi điều chỉnh như hiện nay. Nhưng kể cả đi theo hướng này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý, Chính phủ vẫn cần tiếp tục hoàn thiện rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể của dự án luật liên quan đến phân loại cấp độ xây dựng; ban quản lý xây dựng; công trình xây dựng mang tính cấp bách; dự án khu đô thị; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về xây dựng… 

Thanh Hải