Cơ hội việc làm bền vững cho mọi người

- Thứ Hai, 09/09/2019, 08:02 - Chia sẻ
Việc làm, việc làm bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và ở chiều ngược lại, GDNN là nền tảng, là chìa khóa để phát triển việc làm bền vững.

Hai mặt gắn kết không thể tách rời

Nhân loại sắp bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, các loại chiến lược, quy hoạch trung hạn 5 năm, định hướng dài hạn đến 2030 và tầm nhìn xa hơn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, GDNN… đang được các cơ quan chức năng chuẩn bị xây dựng. Theo kinh nghiệm và truyền thống, các nền giáo dục thường bận tâm với những sức ép hiện tại hơn là toan tính cho tương lai. Vì vậy sẽ là quá muộn nếu ngay bây giờ không sớm khởi động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển GDNN trong giai đoạn 2021 - 2030. Để xây dựng chiến lược này có thể nhìn nhận theo một số hướng tiếp cận, trong đó có GDNN tiếp cận cơ hội việc làm, việc làm bền vững và phát triển bền vững. 

Mục tiêu cuối cùng của đào tạo là việc làm. Nếu người học nghề sau khi tốt nghiệp mà không có việc làm hoặc nhà trường đào tạo những nội dung mà thị trường việc làm không cần đến thì coi như không thành công. Đào tạo và việc làm là hai mặt gắn kết không thể tách rời của một quá trình. Quyền được học, quyền được phổ cập nghề và quyền có việc làm có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau. “Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp”. (Khoản 1, Điều 23, Tuyên ngôn nhân quyền 1948). “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. (Khoản 1, Điều 35 Hiến pháp Việt Nam năm 2013).

Khi thị trường lao động ảm đạm thì nhà trường vắng người học và khi thị trường lao động sôi động thì nhà trường tấp nập người học. Thị trường lao động là thước đo chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề: “Coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo” (Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo).


Tạo điều kiện cho bất cứ ai cũng được học nghề và có việc làm Ảnh: Đức Kiên

Đào tạo “sẵn sàng cho tương lai”

Khuyến nghị về một mô hình giáo dục sẵn sàng cho tương lai (theo Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017) bao gồm 8 khuyến nghị hành động chủ chốt, trong đó có 6 khuyến nghị liên quan trực tiếp đến GDNN. Cụ thể là: Chương trình đào tạo “sẵn sàng cho tương lai” (dạy cái gì: Những kỹ năng của thế kỷ XXI; dạy như thế nào: Cập nhật và thích ứng, phối hợp và rà soát trong xây dựng chương ttrình, định kỳ đánh giá); đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp hóa; tiếp xúc sớm với nơi làm việc và hướng nghiệp liên tục; thông thạo kỹ thuật số; GDNN vững mạnh và được tôn trọng; rộng mở cho canh tân giáo dục. Các khuyến nghị này gửi đến thông điệp mang tính truyền thống về mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng, giữa đào tạo nghề và việc làm.

Trong mối quan hệ gắn kết và thúc đẩy việc làm, việc làm bền vững, GDNN đặc biệt quan trọng đối với phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Thực chất kỹ năng nghề là thước đo mức độ thành thạo công việc, mức đo việc làm tốt hơn và là cầu nối giữa đào tạo và việc làm.

GDNN theo hướng mở, liên thông và phát triển bền vững đều có chung nội hàm: GDNN theo hướng mở là tạo thuận lợi cho mọi người về cơ hội tiếp cận các dịch vụ đào tạo, ai cũng có cơ hội học tập, ai cũng được xã hội tạo điều kiện, không bỏ sót ai lại phía sau và không loại trừ bất cứ ai trong xã hội được học nghề, khởi nghiệp, hành nghề và có việc làm bền vững. Tất cả các lực lượng xã hội đều được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi tham gia hoạt động GDNN. Phát triển bền vững tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

“Phát triển bền vững - việc làm bền vững là kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia” (Quyết định số 662/QĐ-TTg ngày 20.5.2017).

Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu và môi trường. Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Chính phủ đã xác định “Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững”. Vì vậy, GDNN cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng các mô hình tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nhằm thúc đẩy đào tạo nghề xanh và quan trọng hơn là xanh hóa các ngành, nghề đang đào tạo. 

Có thể nói, tiếp cận cơ hội việc làm, việc làm bền vững và phát triển bền vững là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Phan Chính Thức
PV lược ghi