Sự tham gia của xã hội dân sự vào phòng, chống HIV/AIDS:

Cơ hội và thách thức

- Thứ Ba, 04/12/2012, 09:58 - Chia sẻ
Mặc dù đã có những đóng góp tích cực, song quá trình tham gia của xã hội dân sự vào phòng, chống HIV còn tản mạn và chưa đồng đều. Các tổ chức xã hội dân sự cần nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức cho sự tham gia của mình trong phòng, chống HIV/AIDS để có chiến lược hoạt động hiệu quả.

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phòng ngừa sự lây lan của dịch HIV cũng như điều trị cho những người sống với HIV/AIDS. Tuy nhiên, thời gian tới, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức với việc duy trì sự bền vững của những kết quả đã đạt được khi các nhà tài trợ giảm nguồn lực đầu tư vào Việt Nam. Để vượt qua được những thách thức đó, một trong nhiều giải pháp được đặt ra là thúc đẩy sự tham gia rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa của các tổ chức xã hội dân sự trong ứng phó quốc gia về phòng, chống HIV.
 
Với tiêu chí hoạt động tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải, không vì mục đích lợi nhuận và đại diện cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng, đến nay các tổ chức xã hội dân sự đã và đang tham gia ngày càng tích cực hơn trong ứng phó quốc gia với HIV, đặc biệt trong can thiệp trực tiếp ở cộng đồng, cung cấp các dịch vụ và vận động chính sách. Bởi đa số các tổ chức trong lĩnh vực này là tổ chức của những người nhiễm HIV, những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hay tổ chức của những người nhiễm HIV cho nên hơn ai hết, họ hiểu nhu cầu, hoàn cảnh của những người trong cộng đồng và vì vậy có thể hỗ trợ, chia sẻ, kết nối một cách hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV trong cộng đồng.
 
Các tổ chức xã hội dân sự của những người nhiễm HIV, những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hay tổ chức của những người nhiễm HIV còn đóng vai trò đại diện cho nguyện vọng, quyền lợi của những người trong cộng đồng; làm cầu nối giữa cộng đồng những người nhiễm HIV, những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với những cấp ra quyết định; phản hồi, phản biện các chính sách liên quan xuất phát từ thực tế của “những người trong cuộc"; tham gia giám sát để bảo đảm minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách và chương trình, dự án liên quan đến HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội dân sự của và vì những người nhiễm HIV còn là đối tác với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ chức quốc tế, các dự án, các cá nhân… trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
 
Mặc dù có vai trò quan trọng thể hiện qua những đóng góp tích cực, tuy nhiên, song quá trình tham gia của xã hội dân sự vào phòng, chống HIV còn tản mạn và chưa đồng đều. Các tổ chức xã hội dân sự cần nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức cho sự tham gia của mình trong phòng, chống HIV/AIDS để có chiến lược hoạt động hiệu quả.
 
Cơ hội và thách thức

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức xã hội dân sự đang có những cơ hội lớn cho sự tham gia của mình vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, chính sách đổi mới theo hướng mở cửa của Nhà nước đã tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nhận thức của chính quyền và xã hội về vai trò của xã hội dân sự cũng đã dần được cải thiện. Bên cạnh đó, khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện với việc ban hành Luật Phòng, chống HIV, xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản dưới luật khác… nhấn mạnh tới việc xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điều này đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV. Với khung pháp lý này, các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương sẽ chú ý nhiều hơn đến hỗ trợ các tổ chức về người nhiễm HIV, tạo môi trường thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho người nhiễm HIV được hòa nhập xã hội.
 
Bên cạnh đó, xu hướng quốc tế đang khuyến khích sự tôn trọng và quan tâm đến người nhiễm HIV cũng như quan tâm đến các mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, các tổ chức xã hội dân sự liên quan đến HIV vẫn còn nhiều cơ hội nhận được hỗ trợ từ bên ngoài, ví dụ quỹ từ các chính phủ như Ailen Aids, USAID; quỹ từ các tổ chức Liên Hiệp Quốc như UNAIDS, UNDP và quỹ từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế… Một thuận lợi đặc biệt nữa là truyền thống văn hóa giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam, tinh thần liên tục phấn đấu của chính những người nhiễm HIV, những người chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức vì người nhiễm HIV.
 
Bên cạnh những thuận lợi, sự tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức xã hội dân sự còn gặp không ít những khó khăn, thách thức. Mặc dù vấn đề kỳ thị và phân biệt đã được cải thiện đáng kể nhưng sự kỳ thị và phân biệt vẫn là những rào cản lớn đối với việc cung cấp dịch vụ và sự tham gia có ý nghĩa hơn của người sống với HIV và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong việc ứng phó với đại dịch HIV/AIDS.
 
Mặt khác, thực tế vẫn đang còn có những nhận thức khác nhau trong xã hội về sự tồn tại, vị trí và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào phòng, chống HIV/AIDS. Trong khi đó, cho đến nay, nước ta chưa có quy định đăng ký tư cách pháp nhân cho các nhóm tự lực, mạng lưới người nhiễm HIV hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, các nhóm này gặp khó khăn trong việc đăng ký tư cách pháp nhân để nhận các hỗ trợ kinh phí hoạt động.
 
Để đóng góp ngày càng hiệu quả hơn nữa vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi các tổ chức xã hội dân sự phải liên kết và phối hợp với nhau để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức này. 

Phạm Liên