Cà phê phin

Cơ hội sống chậm

- Chủ Nhật, 22/03/2020, 07:45 - Chia sẻ
Covid-19 như một sự cảnh báo, như một cơ hội để chúng ta thanh lọc bản thân, sống đơn giản chậm rãi hơn, hướng đến các giá trị nội tại bền vững hơn...

“Có lẽ chúng ta đã tạo nên giá trị cho bản thân mình bằng quá nhiều sở hữu ngoại thân vô nghĩa, mà quên đi rằng bản thân chúng ta, cảm xúc, tâm thế của chúng ta, sự trong sáng thiện lương của chúng ta, mới thực sự là sức mạnh, là tài sản và sự cứu rỗi cho chúng ta...”

Khủng hoảng ngắn hạn và dài hạn đang hiện hữu, rất gần. Dù cho đẩy lùi được dịch Covid-19 này, chắc chắn thế giới sẽ thay đổi vì mô thức suy nghĩ của con người đã thay đổi. Ngừng lại để suy nghĩ, sống chậm lại và có thời gian quan sát, chiêm nghiệm, chắc hẳn không chỉ tôi và nhiều người khác nhận ra, Covid-19 như một sự cảnh báo, như một cơ hội để chúng ta thanh lọc bản thân, hướng suy nghĩ đến những điều đơn giản, những nhu cầu cơ bản thiết yếu nhất, sống yêu thương nhân ái hơn, yêu thương môi trường vạn vật hơn, và sống đơn giản chậm rãi hơn, hướng đến các giá trị nội tại bền vững hơn. Vì vậy, chúng ta nên nhìn nhận sự khủng hoảng này là quá trình điều chỉnh, để thế giới của chúng ta vận hành tốt đẹp hơn. Những hệ quả ngắn hạn có lẽ sẽ gây đau đớn và thiệt thòi cho một số thành phần trong xã hội, nhưng điều duy nhất chúng ta có thể làm là tìm ra những điểm sáng trong đó.

Có lẽ sự phù phiếm xa xỉ, mà tôi là một tín đồ, sẽ cần tiết chế giảm bớt rất nhiều, vì hóa ra chúng ta sống sẽ nhẹ nhõm rất nhiều nếu không phải mất thời gian cố gắng vì những thứ không quan trọng. Càng những thứ ít quan trọng thì thường lại làm chúng ta cố gắng vất vả nhiều hơn, phí hoài thời gian, sức lực, tâm trí cho nó hơn, thay vì dành cho gia đình, người thân, bạn bè, cho chính ta được nghỉ ngơi thư giãn. Chúng ta điên cuồng làm việc, đi công tác, điên cuồng nghỉ dưỡng, du lịch, mua sắm, điên cuồng giành giật, bớt xén, hy sinh thời gian cho gia đình, bản thân, để đổi lấy tiền bạc, tậu nhà tậu xe. Nhà thì chẳng được ở lâu vì còn bận nhao đi kiếm tiền, mà đêm về cũng chẳng có thời gian, tâm trí hưởng thụ, ngoài nhận thức hả hê ta đã có cái nhà để ngạo nghễ với đời. Còn xe thì càng to và đắt thì càng tốn tiền gửi, tiền xăng, bảo dưỡng sửa chữa thay thế và ta sống trong nơm nớp xe hỏng, xe xước. Đành rằng có xịn có hơn, nhưng nếu phải đánh đổi quá nhiều thời gian công sức để có nó, liệu có đáng? Và khi quá mệt mỏi do tự tạo áp lực, liệu khi chúng ta nhìn nhau, còn thấy nhiều yêu thương hay chỉ còn vô cảm, giận dỗi trách móc.

Thực ra, ta là nô lệ cho cái nhà và chính ta, cho tham vọng không đáy của ta. Chưa đủ thỏa mãn tham vọng, chúng ta hối thúc cắt đi tất cả các ngày lễ hội, tết truyền thống, chỉ để bắt kịp guồng quay của thế giới vật chất ngoài kia, của thế giới mà chủ nghĩa vật chất lên ngôi, sự ích kỷ lên ngôi. Thế giới ấy, với những hào nhoáng bên ngoài, với vật chất long lanh phục vụ nhu cầu xa xỉ của chúng ta, đã lộ rõ mặt trái của nó khi khủng hoảng xảy đến. Hóa ra nó cũng không mỹ miều như chúng ta nghĩ, không đáng để hy sinh tất cả mà hướng tới nó. Càng những thứ long lanh đắt tiền, khó kiếm, lại càng là những thứ chúng ta ít cần đến nhất và sẵn sàng vứt bỏ đầu tiên, khi chúng ta phải thu nhỏ lại cuộc sống và nhu cầu của mình.

Các ngày lễ tết làm chúng ta mệt mỏi không phải vì ý nghĩa của chúng, mà vì ta áp cho chúng quá nhiều sứ mệnh hình thức, quá nhiều câu nệ, nhiệm vụ. Đến sự thụ hưởng thiên về tinh thần này, chúng ta cũng áp đặt sự tham lam của mình vào và kêu ca, mà quên mất, chúng ta đang hành hạ bản thân mình, nhân danh những điều mà chúng ta nghĩ là tốt đẹp và nên làm.

Chúng ta cũng nhận ra một điều, loài người không vĩ đại, mạnh mẽ chế ngự được thế giới và thiên nhiên như chúng ta vốn ngạo mạn suy nghĩ. Ta vươn tới các hành tinh, ta đào sâu vào lòng trái đất, ta dời non lấp biển, ta xây nhà chọc trời. Nhưng chỉ một con virus bé mọn không thể tồn tại độc lập, không thể nhìn thấy, đã đủ làm chúng ta suy sụp hoảng loạn, làm chúng ta thấy có quá nhiều thứ, quá nhiều thành tựu tưởng là vĩ đại, hóa ra lại trở nên vô nghĩa vì chúng chẳng giúp gì cho ta. Có lẽ chúng ta đã tạo nên giá trị cho bản thân mình bằng quá nhiều sở hữu ngoại thân vô nghĩa, mà quên đi rằng bản thân chúng ta, cảm xúc, tâm thế của chúng ta, sự trong sáng thiện lương của chúng ta, mới thực sự là sức mạnh, là tài sản và sự cứu rỗi cho chúng ta.

Cũng qua thời gian này, chúng ta nhìn thấy những vẻ đẹp thực sự của tình yêu thương đồng loại, của hy sinh, sẻ chia, của tin tưởng. Sự tử tế và tình yêu thương, bao dung luôn làm chúng ta cảm động và trở nên lương thiện, tốt đẹp, chứ không phải đống vật chất ngồn ngộn ngoài kia. Vậy thì cái gì làm chúng ta tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn? Chắc chắn không phải mớ vật chất như nhà, xe, đồ xa xỉ... mà chính là sự chung lòng chung sức vì những điều tốt đẹp, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung. Biết bao nhiêu người hy sinh quyền lợi, sức lực và sự an toàn của mình, vì cái chung và vì cộng đồng. Đó là điều tốt đẹp nhất, chạm đến trái tim của mọi người nhất. Chỉ có tình yêu thương mới làm được điều đó, và tình yêu sẽ khơi gợi được tình yêu. Đó chính là lúc cả nước một lòng ủng hộ và hỗ trợ Chính phủ, sát cánh chống dịch.  

Tôi cũng hy vọng rằng, mọi người, qua chuyện này nhận ra một điều: Không có gì đáng tự hào, cao quý và hạnh phúc bằng con người ta vượt qua bản năng ích kỷ tham lam, biết hy sinh lợi ích, an toàn cá nhân hay lợi ích nhóm, biết vì quyền lợi chung.

Sau trận dịch này, tôi tin rằng chúng ta sẽ có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ, sẽ biết nên hướng thiện thế nào để cảm nhận hạnh phúc, đó là niềm vui khi tất cả mọi người biết vì cái chung, vì lợi ích cộng đồng. Tôi bỗng nhiên muốn hướng tới những công việc giản dị, những việc phục vụ nhu cầu cơ bản của con người mà không làm tổn hại đến môi trường và vạn vật sống trên hành tinh chung này. 

Trên lô đất mà trước đó tôi dự định xây một ngôi nhà thật lớn, những thửa ruộng rau sạch đầu tiên đã bắt đầu hình thành, khi tôi nghĩ mình nên làm như loài người khi còn sơ khai. Hệ thống tưới tiêu và chăm sóc không phụ thuộc hóa chất dần hiện ra. Tôi cảm nhận được niềm vui khỏe khoắn của người nông dân trước cánh đồng màu mỡ. Có lẽ, định hướng cuộc đời tôi, sau đợt dịch này, sẽ dần thay đổi...

Hoàng Hiền