Xuất khẩu lao động

Cơ hội nhiều, thách thức không ít

- Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:32 - Chia sẻ
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Gia Liêm, trong 6 tháng qua, công tác phát triển thị trường lao động, ký kết, thực hiện các hiệp định, thỏa thuận song phương đã được Cục tích cực triển khai. Nhờ đó đã mở ra nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài với mức lương cao cho người lao động.

Cơ hội rộng mở

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Gia Liêm, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục đã tổ chức triển khai thanh tra định kỳ theo kế hoạch và phối hợp với Thanh tra Bộ triển khai kế hoạch thanh tra năm 2019 tại 11 doanh nghiệp. Đồng thời, Cục đã chấn chỉnh và phối hợp xử lý một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đưa lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại Ảrập Xêút, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, chấn chỉnh một số doanh nghiệp còn nhiều vụ việc tồn đọng liên quan đến người lao động đang làm việc ở nước ngoài.  

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản vừa qua, đã diễn ra lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”; ký kết ghi nhớ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Viện Công nghệ Quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam. Đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng để rộng mở cơ hội cho lao động và du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản học tập và làm việc.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, dự kiến, khoảng đầu tháng 7, chương trình sẽ được công bố để triển khai từ năm 2020 - 2025. Theo đó, những lao động Việt Nam kết thúc tu nghiệp sinh 3 năm sẽ được thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nếu đạt sẽ có cơ hội ở lại làm việc dài hạn. Những người đã từng tham gia chương trình tu nghiệp sinh, có trình độ tiếng Nhật và tay nghề đã về nước cũng sẽ có cơ hội trở lại Nhật Bản. Chương trình lao động kỹ năng đặc định triển khai trong 5 năm với tổng số lao động nước ngoài tiếp nhận là 345.150 người, làm việc trong 14 ngành gồm xây dựng, đóng tàu, nông nghiệp, thực phẩm, nhà hàng ăn uống, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, điện - thông tin điện tử, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô, hàn cơ khí, lưu trú khách sạn, hộ lý chăm sóc người cao tuổi, hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 5 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 54.144 lao động (trong đó có 14.268 lao động nữ) đạt 45% kế hoạch năm 2019. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản tiếp nhận 28.394 lao động, tiếp theo là Đài Loan 20.732 lao động, Hàn Quốc 2.890 lao động, Romania 714 lao động, Ả-rập Xê-út 489 lao động… Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hơn 65.000 người.


Đào tạo ngoại ngữ cho lao động xuất khẩu

Cần xử lý quyết liệt

Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu lao động đã có những tín hiệu khá khả quan, mở ra nhiều cơ hội cho người lao động. Bên cạnh những nghề truyền thống, lao động phổ thông, hiện nay, đi làm việc ở nước ngoài đã mở ra nhiều cơ hội đối với lao động có trình độ cao. Song, có một thực tế là cơ hội luôn đi kèm với thách thức nhất là khi ý thức của người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa cao. Dù Nhà nước và ngành chức năng, địa phương đã áp dụng nhiều giải pháp, thế nhưng tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn vẫn không có dấu hiệu giảm.

Trước tình trạng này, mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1684/LĐTBXH-QLLĐNN thông báo tới các tỉnh, thành phố danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019. Theo đó, có 40 quận, huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động. Đây là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp - công văn nêu rõ. Việc dừng tuyển lao động tại những địa phương có lao động bỏ trốn cao không phải bây giờ mới áp dụng, trước đó đã áp dụng tuy nhiên giải pháp này xem ra chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, sau nhiều nỗ lực ngành chức năng vẫn không thể kéo giảm tình trạng bỏ trốn.

Theo đánh giá, việc ký kết bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho người lao động. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, Nhật Bản sẽ không tiếp nhận lao động từ những quốc gia không thực hiện đầy đủ trách nhiệm nhận trở lại người bị trục xuất. Đồng thời, Nhật Bản sẽ thận trọng xem xét visa cho công dân các quốc gia hiện có nhiều người cư trú bất hợp pháp, tội phạm, phá vỡ hợp đồng lao động tại Nhật Bản. Do đó, Việt Nam sẽ phải có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn các hiện tượng có thể ảnh hưởng tới uy tín của người lao động Việt Nam. Đặc biệt, để tận dụng cơ hội, các ngành và địa phương cần chấn chỉnh các trung tâm tư vấn du học, các công ty đưa du học sinh sang Nhật Bản để nâng cao trình độ đào tạo lao động, chấm dứt việc cấp bằng không đúng trình độ. Đồng thời, nghiêm cấm các công ty môi giới bất hợp pháp, những công ty đưa ra các thông tin không đúng sự thật, làm người lao động bị sai lệch thông tin.

Thái Yến