Cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực huyết học

- Thứ Ba, 09/04/2019, 08:22 - Chia sẻ
Là một trong những ngân hàng máu đứng đầu cả nước về lượng máu thu nhận và cung cấp cho các bệnh viện, số lượng máu tiếp nhận hàng năm tăng dần, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh vừa được công nhận là đơn vị đầu tiên của Việt Nam có ngân hàng máu được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt chuẩn châu Âu (European GMP), mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực huyết học và truyền máu.

Ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh là một trong 5 ngân hàng lớn nhất cả nước, cung cấp máu cho các bệnh viện tại thành phố và một số tỉnh lân cận. Năm 2018, nơi đây tiếp nhận 230 nghìn lượt hiến với trên 260 nghìn đơn vị máu, điều chế hơn 700 nghìn chế phẩm máu phục vụ người bệnh.

Nỗ lực từ những ngày đầu

Theo Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh Phù Chí Dũng, giấy chứng nhận này được Cơ quan An toàn thực phẩm và y tế Áo thuộc Bộ Y tế Cộng hòa Áo (Austrian Agency for Health an Food Safety - AGES) cấp từ ngày 4.3. Trước đó, vào năm 2017, lần đầu tiên đoàn chuyên gia châu Âu qua bệnh viện đánh giá nhưng chưa đạt chuẩn. Đến nay, bệnh viện mới chính thức cấp giấy chứng nhận GMP châu Âu. Kết quả này là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể bệnh viện suốt 5 năm.

Chia sẻ thêm về quá trình để đạt được chứng nhận GMP châu Âu, lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh cho hay, bệnh viện đã đưa ra và thực hiện nhiều tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhưng không có tiêu chuẩn nào khắt khe và ngặt nghèo như tiêu chuẩn GMP châu Âu. Với GMP châu Âu đòi hỏi các quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lấy máu, vận chuyển, điều chế, lưu trữ, cấp phát, sử dụng. Tiêu chuẩn này giúp thiết lập quy trình sản xuất giảm các nguy cơ trong từng công đoạn, bảo đảm an toàn hơn trong truyền máu người bệnh, giảm tác dụng phụ, nguy cơ bệnh nhiễm trùng khi truyền máu, y bác sĩ tự tin khi ra chỉ định điều trị, hạn chế sai sót và nhầm lẫn.


Quy trình xử lý máu tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh 
Nguồn: ITN

“Có những lúc khó khăn tưởng chừng không thể tiếp tục làm nổi vì yêu cầu quá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, chỉ cần kho đông lạnh không bảo đảm nhiệt độ trong một khoảng thời gian ngắn thì sẽ không chấp nhận sử dụng huyết tương đó” - các bác sĩ tại bệnh viện chia sẻ.

Ngoài việc xây dựng ngân hàng máu đạt các yêu cầu của quốc gia, nhiều năm qua, bệnh viện đã chuẩn bị về mọi mặt, từ con người đến trang thiết bị, cơ sở vật chất, quy trình tiêu chuẩn nghiêm ngặt, để được cấp chứng nhận giá trị này. Tất cả máu hiến tặng đều được dán mã số bảo đảm không bị nhầm lẫn khi đem xử lý ra máu thành phẩm. Sau công đoạn dán mã số thì tất cả nguồn máu hiến đều được lưu mã số lại bằng hệ thống máy vi tính. Trước khi đem nguồn máu hiến tặng xử lý, các kỹ thuật viên tiếp tục thử độ nhạy, sự tương thích của máu, tránh nhầm lẫn hay không đạt chất lượng. Sau khi các túi máu được phân vào hộp và được lưu lại mã số để tiến hành quay ly tâm, sẽ được đưa xử lý tiếp ở khâu kỹ thuật cao hơn cho ra máu thành phẩm.

“Sau khi đạt chuẩn, ngân hàng máu được cơ quan cấp chứng nhận theo dõi từ xa qua mạng, phải duy trì báo cáo thường xuyên. Nếu không duy trì đạt chuẩn, ngân hàng máu có thể bị rút chứng nhận bất cứ lúc nào” - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh Phù Chí Dũng khẳng định.

Mở ra hướng đi trong hợp tác quốc tế

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá, đây là bước đà thuận lợi để Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh xây dựng ngân hàng máu lớn với công suất 1.000.0000 đơn vị một năm đạt chuẩn GMP châu Âu. Sự phát triển ngân hàng máu đạt chuẩn cũng giúp cho người dân thành phố, cả nước an tâm chữa trị trong nước mà không phải ra nước ngoài.

“Máu cũng như thuốc, đưa trực tiếp vào cơ thể người nếu đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt thì sẽ cho ra chất lượng máu tốt nhất, bác sĩ yên tâm chỉ định sử dụng cho người bệnh, giảm thiểu tác dụng phụ, phản ứng phụ khi truyền máu. Ngoài ra, việc hình thành ngân hàng máu đạt chuẩn quốc tế góp phần quan trọng vào việc phát triển lĩnh vực y tế” - ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.

Theo các chuyên gia y tế, đây là tiền đề về lâu dài để ngân hàng máu sản xuất huyết tương, bởi máu được tách chiết thành nhiều chế phẩm, sử dụng nhiều nhất là hồng cầu, tiểu cầu. Phần huyết tương tách ra thường không sử dụng hết, nếu bỏ đi sẽ rất lãng phí. Các nước phát triển thường tận dụng nguồn này, sản xuất thành các chế phẩm, các yếu tố đông máu để phục vụ một số người bệnh cần truyền. Trong khi, Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất được các yếu tố đông máu từ huyết tương như yếu tố 8, yếu tố 9 mà phải nhập khẩu rất đắt tiền. Nếu xuất khẩu được huyết tương thì cơ hội hợp tác, trao đổi các chế phẩm của máu ra nước ngoài sẽ thuận lợi và giúp giảm giá thành cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, với chứng nhận GMP châu Âu, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh có thể hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chính sách GMP tại Việt Nam; hỗ trợ các trung tâm truyền máu trong cả nước xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế.

Dương Cầm