Covid-19 và bầu cử Tổng thống Mỹ

Cơ hội hay rủi ro?

- Thứ Tư, 25/03/2020, 08:27 - Chia sẻ
Trong bối cảnh nước Mỹ đang trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 của thế giới, việc Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách ông đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch lần này.

Sức khỏe của nền kinh tế Mỹ

Cách đây hơn một tháng, mọi chuyện vẫn còn tốt đẹp với Tổng thống Donald Trump. Dịch Covid-19 lúc đó ngỡ chỉ là đòn giáng thêm cho đối thủ Trung Quốc. Ông Trump vẫn còn liên tục khoe các kỳ tích về kỷ lục trên thị trường chứng khoán, về tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp giảm…

Những ngày dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại một số bang của Mỹ, Tổng thống Trump khi đó cho rằng sự lo ngại của thế giới là “thái quá” và Mỹ hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh dịch này. Trên trang Twitter, ông chủ Nhà Trắng dẫn chứng số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Mỹ tại thời điểm đó (khoảng 540 người, 22 ca tử vong) với con số 37.000 người Mỹ tử vong do cúm mùa riêng năm ngoái. Và nhịp sống của người dân Mỹ ở các thành phố lớn như New York, San Francisco, California vẫn tiếp tục náo nhiệt như chưa hề có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2.


Tổng thống Donald Trump trong một phát biểu về dịch Covid-19
Nguồn: The San Diago

Thế rồi khi dịch bệnh nhấn chìm châu Âu trong khủng hoảng, tung ra những cú đấm choáng váng cho thị trường chứng khoán - trái tim kinh tế của nước Mỹ, ông Trump đã phải thay đổi sắc mặt lẫn thái độ. Sau khi buộc phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp, Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh, trong đó đóng cửa biên giới với một số nước như châu Âu, Iran, Hàn Quốc, Canada, Mexico... và nâng cảnh báo đi lại lên mức độ cao nhất, hối thúc người dân Mỹ không ra nước ngoài, đồng thời kêu gọi người Mỹ tại nước ngoài nhanh chóng trở về. Tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố ở một loạt bang.

Mặc dù sau các quyết định mạnh của Tổng thống Donald Trump, thị trường chứng khoán ở Mỹ đã lội ngược dòng nhanh chóng, nhưng chuyện ngăn chặn được dịch bệnh lây lan và giữ cho nhịp sống người dân không bị xáo trộn là thách thức không nhỏ.

Nhằm hỗ trợ người dân Mỹ cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, chính quyền Tổng thống Trump cũng như các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra 3 dự luật hỗ trợ kinh tế lớn, trong đó dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các cơ quan y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch. Dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18.3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Dự luật thứ ba trị giá lớn nhất là 1.000 tỷ USD sẽ hỗ trợ trực tiếp mỗi người dân Mỹ 2 tờ séc trị giá 1.000 USD trong vòng 9 tuần cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp và các ngành của Mỹ.

Các biện pháp quyết liệt mà Nhà Trắng liên tiếp đưa ra cho thấy Tổng thống Donald Trump hơn ai hết hiểu rõ tầm quan trọng của việc phải ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh để nước Mỹ không bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát vì Covid-19. Bởi bất kỳ cơn hắt hơi sổ mũi nào của nền kinh tế Mỹ cũng đe dọa cơ hội tái cử của ông, chưa nói đến nguy cơ kinh tế Mỹ có thể lâm vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ thời kỳ 1929 - 1933.

Lá bài “thời chiến”

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chính trị lại nhìn vấn đề theo góc độ khác, khi cho rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay có thể trở thành cơ hội cho Tổng thống Donald Trump nếu ông biết tận dụng.

Tờ Politico đã đúc kết rằng, khi có chiến tranh, cử tri Mỹ không thích thay đổi Tổng thống. Bằng chứng là ông James Madison đã tái đắc cử sau khi phát động chiến tranh với Vương quốc Anh năm 1812. Ông Abraham Lincoln đã phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai một tháng trước khi nội chiến Mỹ kết thúc. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Franklin D. Roosevelt đã giành được nhiệm kỳ thứ ba. Một năm sau khi đưa quân tới Iraq, ông George W. Bush đã tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Tờ báo cho rằng, Mỹ đang trong một cuộc chiến và nếu ông Trump làm tốt vai trò của “Tổng thống thời chiến” thì nhiệm kỳ thứ hai sẽ thuộc về ông.

Những ngày qua, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều động thái quyết liệt hơn của một Tổng thống thời chiến: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngày 13.3, kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng ngày 18.3. Khi kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng, ông Trump có thẩm quyền với các ngành tư nhân, có thể huy động họ sản xuất những thứ thiết yếu cho ngành y tế trong phòng chống dịch như máy thở, khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ. Từ 17.3, Lầu Năm Góc đã thực hiện kế hoạch khẩn cấp là sử dụng vệ binh để chuyển thực phẩm, trang thiết bị y tế tới những khu vực dân cư dễ bị tổn thương, xây dựng bệnh viện dã chiến và trang bị thêm cho các địa điểm có thể được sử dụng làm bệnh viện, phối hợp với cảnh sát để thực thi lệnh giới nghiêm. Gần 20 bang đã huy động Vệ binh Quốc gia để kiềm chế dịch lây lan nhanh. Một số còn khuyến khích Tổng thống huy động Công binh Lục quân để giải quyết tình hình.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang gây áp lực với các nghị sĩ Cộng hòa để nhanh chóng thông qua gói hỗ trợ lớn trị giá hơn 1.000 tỷ USD nhằm ổn định nền kinh tế và giảm nhẹ suy thoái.

Việc ông Donald Trump tự khắc họa mình là nhà lãnh đạo thời chiến đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận, không phải vì ông nỗ lực sử dụng quân đội, khu vực tư nhân để chống dịch, mà vì dường như cả chính quyền và chiến dịch tranh cử của ông đều áp dụng thông điệp tương tự. Trong thư điện tử gửi ngày 18.3, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã ca ngợi quan điểm tình trạng chiến tranh và cách tiếp cận “toàn nước Mỹ” của Tổng thống Donald Trump. Giới chức Lầu Năm Góc cấp cao còn khuyên Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói nhiều hơn về nỗ lực bảo vệ toàn bộ người dân Mỹ, chứ không chỉ binh sĩ Mỹ khi bình luận, phát biểu công khai.

Một cố vấn cho chiến dịch của Tổng thống Donald Trump nói rằng, tất cả đội ngũ tranh cử đều hy vọng tận dụng chiến lược truyền thông điệp mới của Tổng thống để thực hiện một loạt chiến dịch quảng bá trong thời gian tới.

Bà Martha Kumar, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Towson, nhận định: “Tổng thống thời chiến có lợi thế số một là thu hút sự chú ý và tinh thần đoàn kết khi người dân cho rằng họ đang ở trong tình hình chiến tranh và sẵn sàng ủng hộ, hoặc ít nhất không chỉ trích Tổng thống. Nhưng Tổng thống thời chiến cũng có rủi ro vì bản thân họ phải thắng trong cuộc chiến đó”.

Đối với Tổng thống Donald Trump, Covid-19 sẽ là cuộc sát hạch lớn nhưng cũng là cơ hội để ông thể hiện năng lực. Ông có thể giành được sự ủng hộ của cử tri để tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách ông đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch này.

Đạt Quốc