Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Có hình thức phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 07:59 - Chia sẻ
Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hình thức. Đây là lý do khiến tình trạng thiếu việc làm của thanh niên dân tộc thiểu số đang là vấn đề bức xúc. Tỷ lệ thất nghiệp là 5,67%, cao gấp 2,57 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước. Vấn đề đặt ra là cần phát triển các hình thức giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán dân cư trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số học nghề, tạo và tự tạo việc làm, tham gia xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhiều đại biểu tham dự Phiên giải trình về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số do Hội đồng Dân tộc tổ chức mới đây đã đưa ra kiến nghị.

Giáo viên nghề gì thì dạy nghề đấy

Từ năm 2016 - 2018, đã có trên 800 nghìn người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ, trong đó có khoảng 412 nghìn lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đó là số liệu do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra tại phiên giải trình.


Nguồn: ITN

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các chương trình, chính sách đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được các cấp, ngành triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, một trong những hạn chế được chỉ ra, đó là các chính sách, pháp luật về việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, thiếu đồng bộ, thường lồng ghép chung với chính sách giảm nghèo và dạy nghề; có sự trùng lắp về cơ chế, đối tượng, khó lồng ghép và khó triển khai cho địa phương. Hiệu quả tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn còn mỏng và chưa tạo thuận lợi cho người dân tộc thiểu số tham gia học nghề và chuyển đổi nghề.

Trước đó, Báo cáo số 426 của Chính phủ về đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2018 cũng thừa nhận, nhiều địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân tộc thiểu số học nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Do đó, tình trạng thiếu việc làm của thanh niên dân tộc thiểu số đang là vấn đề bức xúc, tỷ lệ thất nghiệp là 5,67%, cao gấp 2,57 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước (2,34%). Việc đào tạo nghề diễn ra theo hướng… giáo viên nghề gì thì dạy nghề đấy, chưa dạy nghề được theo nhu cầu của xã hội, dạy nghề chưa gắn với cơ sở sản xuất. Đáng lưu ý, còn hiện tượng người lao động các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia đi lao động tự phát, bất hợp pháp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, trật tự xã hội và an toàn của chính bản thân người lao động.

Cầm tay, chỉ việc

Giải quyết việc làm phi nông nghiệp cho đồng bào các dân tộc thiểu số phải bắt nguồn từ đào tạo nghề. Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước từng chia sẻ, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có hai thứ là: Lao động phổ thông chất lượng thấp và đất đai. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, thiếu đất sản xuất, sẽ dẫn đến một bộ phận người dân tộc thiểu số sẽ tái du canh, du cư. Do vậy, cần đẩy mạnh dạy nghề trong lao động dân tộc thiểu số gắn với nhu cầu lao động tay nghề của xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức dạy nghề phục vụ ngay cho yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

Tại Hội thảo công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW về công tác dân tộc, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm. Các chính sách nên ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các trường dân tộc nội trú. Phát triển các hình thức giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán dân cư trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số học nghề, tạo và tự tạo việc làm, tham gia xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thực hiện dạy nghề theo nhu cầu lao động của xã hội theo hướng hỗ trợ sau đào tạo. Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giáo dục, định hướng để thanh niên dân tộc thiểu số tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, thành thị. Nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo, tiếp nhận tạo việc làm mới cho người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới với nước bạn để chính thức hóa thị trường lao động, có giải pháp hạn chế rủi ro cho đồng bào dân tộc thiểu số đi làm thuê ngắn hạn ở bên kia biên giới.

Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số quan trọng nhất là tránh hình thức, tăng cường dạy nghề lưu động, dạy nghề tại chỗ, ngay trên đồng ruộng, trang trại; dạy nghề theo hình thức kèm cặp, cầm tay chỉ việc, truyền nghề tại các làng nghề, dạy nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng là đề xuất được đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra. Thông qua dạy nghề, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ xây dựng được vùng sinh kế gắn theo dân tộc, theo vùng, miền đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó xây dựng chỉ dẫn địa lý về sinh kế và các sản phẩm đặc thù, đặc sắc theo dân tộc, vùng, miền. Như cách nói của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành thì dạy nghề, đào tạo nghề cho đồng bào chính là góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Anh Thảo