Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Có hình thành doanh nghiệp nhà nước mới?

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:08 - Chia sẻ
Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo dự thảo Luật, DNNN gồm 2 loại: Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định này sẽ hình thành một loạt DNNN mới. Do đó, cần đánh giá xem có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp mới, tác động thế nào…?

Sửa để giảm chi phí cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Chính phủ, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2018, cả nước đã có gần 131,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vống đăng ký là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 1,75 lần và 3,4 lần so với năm 2014. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam cũng tăng từ vị trí 125 vào năm 2014 lên hạng 104 trong tổng số 190 quốc gia năm 2019; quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư cũng cải thiện mạnh mẽ từ thứ hạng 117 lên thứ hạng 89…


Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại phiên họp

Tuy vậy, “một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; một số nội dung không còn tương thích với quy định của luật mới ban hành”, Tờ trình dự án Luật của Chính phủ chỉ rõ. Thêm vào đó, khái niệm về DNNN trong Luật hiện hành mới chỉ bao gồm DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, chưa có quy định xác định loại doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần góp vốn chi phối; quy định về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh còn thiếu rõ ràng, chịu nhiều hạn chế về quyền kinh doanh và phạm vi hoạt động… Do vậy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014 là cần thiết, nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp...

Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dự án Luật sửa đổi 60 điều; bãi bỏ 2 điều, 5 khoản và 2 điểm; bổ sung 1 chương về hộ kinh doanh và 8 điều so với Luật hiện hành. Cụ thể, dự án Luật bãi bỏ 2 thủ tục thông báo mẫu dấu và báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay; bãi bỏ, giảm bớt điều kiện không hợp lý như “phải sở hữu cổ phần liên tục trong 6 tháng” hoặc “sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần” đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền về đề cử, tiếp cận thông tin về hoạt động kinh doanh; sửa đổi khái niệm DNNN thành 2 loại: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết…

Cần đánh giá tác động mở rộng khái niệm DNNN

Đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014, song tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, vẫn còn nhiều nội dung trong dự thảo Luật khiến các đại biểu băn khoăn.

Cho rằng “quản trị doanh nghiệp có vai trò cực quan trọng”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phân tích, dự thảo Luật giao quyền cho chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát công ty phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp thay vì bắt buộc doanh nghiệp thành lập Ban kiểm soát như quy định hiện hành. Đối chiếu với thực tế, hiện Bộ Giao thông - Vận tải có 4 công ty TNHH một thành viên 100%, trong đó có Tổng Công ty Quản lý bay. Theo ông Phúc, quy mô doanh nghiệp lớn như thế buộc phải có Ban kiểm soát chứ không nên quy định như trong dự thảo Luật. Do vậy, theo ông Phúc, dự thảo Luật phải quy định rõ trường hợp nào có Ban kiểm soát, trường hợp nào để chủ sở hữu công ty tự quyết định lựa chọn cơ chế kiểm soát.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đề xuất, để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật, vì là luật điều chỉnh gốc nên Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần điều chỉnh đối với doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, gồm cả công ty TNHH và công ty cổ phần thay vì chỉ cho công ty cổ phần được phát hành trái phiếu; còn Luật Chứng khoán (sửa đổi) chỉ nên điều chỉnh đối với công ty đại chúng, bởi các yêu cầu về điều kiện phát hành, thủ tục, hồ sơ, trình tự… đối với công ty đại chúng cao hơn. Ủy viên Thường trực Đỗ Văn Sinh cũng lưu ý, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình QH xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đề xuất thời điểm có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, vì vậy, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nên có sự tương đồng. Muốn vậy, Chính phủ cần có đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp - bởi “chúng tôi đang được giao luật hóa nghị định này, đây là kênh cực quan trọng, có thể liên thông các luật này với nhau”, ông Sinh nói.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là sửa đổi khái niệm DNNN, bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc tỏ ý băn khoăn về quy định này bởi để bảo vệ lợi ích của thiểu số thì thông thường có công thức quá bán trên 65% hoặc trên 75%. Trong trường hợp này, “tôi đề nghị công thức chi phối trên 75%, như vậy phần còn lại không thể phủ quyết được mới là DNNN, bởi nếu 51% thì trong nhiều trường hợp thiểu số vẫn có thể phủ quyết”, ông Phúc kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, quy định này sẽ hình thành một loạt DNNN mới. Do đó, cần đánh giá xem có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp mới, tác động thế nào…? Khi trở thành DNNN, bên cạnh việc chịu sự điều chỉnh, chi phối rất nhiều từ Nhà nước, các doanh nghiệp này cũng được hưởng lợi nhiều, do đó cần có quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp này. Ngoài ra, theo dự thảo Luật, việc công bố thông tin bất thường đối với DNNN trong thời hạn 36 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện. Trong khi đó, tại Thông tư số 155/2015/TT - BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, yêu cầu công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ. Do đó, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, cần có sự thống nhất quy định công bố thông tin để DNNN phải có tính công khai, minh bạch cao nhất.

Đan Thanh