Áp trần chi phí lãi vay 20%

Có hạn chế được chuyển giá?

- Thứ Sáu, 17/05/2019, 08:00 - Chia sẻ
Mùa Đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết tiếp tục “than trời” trước cổ đông khi hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay không thể khấu trừ bởi một điều khoản trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP, “ăn” trực tiếp vào lợi nhuận của họ. Trong khi đó, Tổng cục Thuế vẫn “án binh bất động”.

Chống chuyển giá - doanh nghiệp nội “mắc kẹt”

Chuyên gia tài chính TS. CẤN VĂN LỰC: Mục tiêu đúng nhưng làm chưa trúng

Tôi cho rằng mục tiêu của Nghị định 20 thì đúng nhưng chúng ta làm chưa trúng, chưa đạt mục tiêu đề ra, 20 doanh nghiệp lớn nhất niêm yết trên sàn đều dính Nghị định 20 này. Chúng ta chống chuyển giá nhưng tỷ lệ 20% không phù hợp với doanh nghiệp trong nước của chúng ta. Tỷ lệ này tại các nước EU là 30%, trong khi thị trường vốn của họ rất phát triển, có thể huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu và họ chỉ dựa 35% vào vốn từ ngân hàng. Trong khi đó, tại Việt Nam thì chủ yếu vốn vay từ ngân hàng với 60 - 65%, rồi thị trường vốn chưa phát triển, phát hành cổ phiếu chưa được. Tôi cho rằng tỷ lệ 20% phải được điều chỉnh, ít ra phải cao hơn 30% và thực hiện có lộ trình.

Với một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp như Việt Nam, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển hầu hết đều dựa vào nguồn vốn bên ngoài (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu…). Thế nhưng một điều khoản nhỏ trong Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã khiến hầu hết doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mắc kẹt. Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Điều khoản này dường như nằm ngoài tinh thần chung của Nghị định là hạn chế tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp có mối liên kết về sở hữu, quản trị ở các quốc gia khác nhau…

Ngay khi nghị định này ra đời đã vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá, với tiềm lực tài chính còn hạn chế, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt mức trần 20% và “càng vay nhiều càng thiệt”. TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thì cảnh báo, nếu áp dụng Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, các doanh nghiệp phát sinh số thuế phải nộp lên đến hàng nghìn tỷ đồng, bởi phần chi phí lãi vay vượt trần 20% sẽ không được khấu trừ để tính thuế.

Đến thời điểm này, mọi thứ đã trở thành sự thật!

Thống kê từ Báo cáo tài chính năm 2018 của hơn 770 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể thấy đa phần các công ty bị ảnh hưởng, con số chi phí lãi vay vượt mức khống chế 20% EBITDA và không được khấu trừ để tính thuế lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Nếu tính thêm các doanh nghiệp chưa niêm yết, số tiền “mắc kẹt” có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, đối tượng bị ảnh hưởng có cả các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong nước, là những đối tượng có rất ít động cơ, khả năng để chuyển giá như mục tiêu mà Nghị định 20 nhắm đến.

Doanh nghiệp sốt sắng, cơ quan thuế thờ ơ

Trước nguy cơ phải nộp thêm hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, một loạt các doanh nghiệp lớn đã có kiến nghị gửi các cơ quan có trách nhiệm là Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Trong văn bản “kêu cứu” Bộ Tài chính, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết, quy định trên sẽ khiến các đơn vị thành viên, các Tổng Công ty Phát điện thuộc EVN phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tăng rất lớn, cụ thể: EVN GENCO 1 nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng.

Ông NGUYỄN TRẦN NAM,
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Cần sửa Nghị định 20

Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 đang thủ tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước liên kết toàn trong nước, làm gì có thuế cao hơn thấp hơn. Tôi cho rằng cần phải sửa Nghị định, trong khi chờ sửa thì đề nghị tạm dừng. Khi chúng tôi kiến nghị thì Chính phủ giao Bộ Tài chính trả lời, Bộ Tài chính lại giao Tổng cục Thuế trả lời thì đại ý vẫn là từ từ xem xét. Không biết từ từ thế nào nhưng việc thu thuế đâu có từ từ! Doanh nghiệp thì rất sợ, nộp tiền vào rồi làm sao mà rút ra.

Còn theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Dệt may, phần lớn doanh nghiệp có tỷ lệ nợ ở mức cao, khoảng 6 - 7 lần, có những doanh nghiệp lên đến 9 - 10 lần do đặc thù của ngành là gia công, cần vốn để mua nguyên vật liệu, máy móc sản xuất các đơn hàng. Đối với ngành thép, nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chiếm đến 50 - 60%.

Thậm chí, trong công văn “giãi bày” với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế ngày 2.3.2018, sau khi nêu những bất cập của Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn còn “nhắc khéo” cơ quan quản lý rằng: Lilama - Công ty có sở hữu nhà nước 97,87% - và các công ty liên kết đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp “nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp” như mục tiêu của Nghị định 20.

Ngày 18.10.2018, tức là tới hơn 7 tháng sau Lilama gửi công văn, Tổng cục Thuế mới có văn bản trả lời. Thay vì giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, xin ý kiến cơ quan cấp trên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu, Tổng cục Thuế lại… trích hoàn toàn nội dung từ Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 để phúc đáp.

Phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ kiến tạo. Nhưng chỉ bằng một điều khoản nhỏ trong Nghị định 20, những nỗ lực của Chính phủ đang có nguy cơ “đổ sông đổ biển” vì ai còn dám vay tiền đầu tư?

Minh Hải