Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Có giải quyết được “ách tắc”?

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:08 - Chia sẻ
Sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp, phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Đây là mục tiêu mà dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp hướng tới. Tuy nhiên, qua phiên thảo luận chiều qua, nhiều Ủy viên UBTVQH băn khoăn: Với những nội dung của dự thảo Luật có thực sự giải quyết được những “ách tắc” thực tiễn hoạt động giám định tư pháp đã và đang đặt ra hay không?

Những quy định rất cần lại... không có

Một trong những vấn đề mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong băn khoăn khi tham gia phát biểu ý kiến là qua tổng kết thi hành và Tờ trình của Chính phủ cũng nêu ra những hạn chế. Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp và nghiên cứu những vấn đề khác phát sinh, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong cho rằng, những vướng mắc do Luật định thì không rõ mà chủ yếu vướng mắc do quá trình tổ chức thực hiện. Tiếc rằng, trong Tờ trình của Chính phủ chưa phân tích rõ 2 vấn đề này. Nếu chưa làm rõ được vấn đề này thì xác định phạm vi sửa Luật sẽ khó.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong cũng chỉ ra thực tế, trên 40 văn bản ban hành để hướng dẫn, quy định chi tiết thực hiện Luật này cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhưng chất lượng chưa đạt như mong muốn. Bởi, có trên 40 văn bản nhưng những vấn đề thuộc về quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuẩn trong giám định rất cần lại... không có. Chính vì vậy, chất lượng giám định thời gian qua có nhiều vấn đề chưa giải quyết được trong thực tiễn, gây khó khăn, bức xúc. Điều đáng nói là, từ khó khăn, bức xúc đó lại cho rằng “lỗi” do Luật, song “điểm lại thì không phải tại Luật”, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cơ quan thẩm tra nhận định, vướng mắc, ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay phần nhiều là do khâu nhận thức và tổ chức thực hiện luật từ các bộ, ngành chủ quản… Hiện nay, công tác tư pháp theo vụ việc trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng tập trung chủ yếu là loại hình giám định về lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường, do đó, cần sửa đổi luật này. Tuy nhiên, trong phạm vi sửa đổi không đi vào vấn đề nêu trên mà tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh trong giám định tư pháp; phân cấp rõ mối quan hệ giữa bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh; bổ sung quy định về thành lập hội đồng giám định tư pháp; quy định về việc công bố danh sách những người giám định tư pháp, vụ việc; sửa đổi, bổ sung quy định về việc kết luận giám định… Những phạm vi sửa đổi này không giải quyết được bài toán về sự cần thiết sửa đổi Luật, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH thẳng thắn.


Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Có lấp được “khoảng trống” trong giám định về xâm hại trẻ em?

Chỉ ra hàng loạt bất cập, vướng mắc trong hoạt động giám định thời gian qua, theo Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong, đó là tình trạng lạm dụng, lợi dụng giám định để trục lợi tiêu cực, thậm chí có cả “chạy” tội. Ví dụ, trong giám định tâm thần chỉ cần “bỏ mấy đồng là mất năng lực hành vi dân sự - rõ là phạm tội nhưng cuối cùng không truy cứu trách nhiệm hình sự được ai”. Vấn đề đặt ra là, xử lý thế vấn đề này như thế nào để tránh lạm dụng, lợi dụng pháp luật? Những hành vi cấm nào, những chế tài, cơ chế nào để xử lý những vấn đề này gần như... chưa có quy định. 

Đưa ra những ví dụ, này, theo Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong là bởi hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về cơ chế để công nhận kết quả giám định pháp y đối với trường hợp bị xâm hại tình dục theo yêu cầu của gia đình bị hại trong trường hợp các cơ quan điều tra, xét xử chưa kịp thời thực hiện trưng cầu giám định, hoặc trường hợp nạn nhân bị đe dọa, phát hiện vụ việc muộn thì gần như không có kết quả giám định. Điều này sẽ mất đi chứng cứ quan trọng, sẽ bỏ lọt tội phạm. Vậy, vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào? Nếu đặt vấn đề, cơ quan nào trưng cầu giám định thì cơ quan đó trả tiền, “vậy, đối với người dân yếu thế ở vùng sâu, vùng xa khó khăn, trưng cầu giám định có được hỗ trợ gì không? Đối với khuyết tật, đối với hộ nghèo thì sao? Đây là những vấn đề đặt ra để giúp cho người yếu thế, những nơi không có điều kiện thực hiện giám định, tránh đổ qua đổ lại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau trong trưng cầu giám định”. Luật phải giải quyết được những vấn đề này.

Đề cập đến vướng mắc trong giám định xâm hại tình dục trẻ em, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ xâm hại trẻ em thời gian qua là do trước đó không được xử lý kịp thời, trong đó do không xử lý được vướng mắc trong quá trình giám định. Lấy ví dụ về một bé gái bị xâm hại, nhưng khi người mẹ đưa đi giám định, đến công an phường thì công an phường chỉ đến bệnh viện, đến bệnh viện lại chỉ đến trung tâm pháp y, sau đó đến công an quận, rồi lại quay về công an phường và người mẹ không dám tắm cho con chỉ vì sợ bị mất tang chứng. Theo điều 22, Luật Giám định tư pháp, khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu của hành vi bị xâm hại thì người nhà, người thân của nạn nhân phải đến tiến hành trình báo sự việc với cơ quan công an. Trong thời hạn 7 ngày thì cơ quan công an sẽ ra quyết định có trưng cầu giám định hay không. Cho rằng, quy định thời gian 7 ngày là quá dài, bởi có thể sẽ bị mất chứng cứ, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, trong sửa Luật Giám định tư pháp lần này cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi xử lý vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, qua đó bảo vệ trẻ em.  

Để sửa đổi, bổ sung đúng vấn đề thực tiễn hoạt động giám định tư pháp đang đặt ra, các ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cùng với các cơ quan đang tiến hành giám định tư pháp phải tổng kết một cách đầy đủ hơn, để thấy rõ vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện, vướng mắc nào do quy định của luật chưa hợp lý hoặc luật chưa có quy định để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Có như vậy, việc sửa đổi Luật mới giải quyết được điểm nghẽn trong hoạt động tư pháp thời gian qua.

Hà An