Cô đọng giá trị văn hóa làng

- Thứ Ba, 30/06/2020, 06:38 - Chia sẻ
Trải qua bao đời với thăng trầm, biến động, thử thách lịch sử khắc nghiệt, các giá trị của làng quê Việt đã được gìn giữ, trao truyền và tôn bồi. Trong quá trình phát triển đó, các nghiên cứu về làng xã trở thành cầu nối để hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa làng, điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh làng Việt đang có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Làng mạc ở châu thổ sông Hồng

Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” (NXB Tri thức) của tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski, đã diễn ra tọa đàm về chủ đề này. Không chỉ nói về sách, những vấn đề xoay quanh khái niệm, làng xã truyền thống đặc trưng của người Việt đã được đưa ra bàn luận, cung cấp góc nhìn đa chiều về văn hóa làng, cũng như dấu ấn nghiên cứu và phân tích cụ thể về làng.

Cuốn sách là một góc nhìn về văn hóa làng vùng châu thổ sông Hồng

Cuốn sách là kết quả hai chương trình hợp tác nghiên cứu Pháp - Việt Nam. Nghiên cứu thứ nhất là về “Làng Mông Phụ” (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) do Viện Dân tộc học (thuộc tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cùng Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á và Thế giới Nam Đảo (thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học của Pháp) thực hiện vào đầu thập niên 1990. Nghiên cứu thứ hai là “Làng ở vùng châu thổ sông Hồng” (1996 - 1999) do ba tổ chức khoa học của Pháp và Việt Nam chủ trì: Văn phòng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhận thấy các công trình trên thực sự hữu ích cho những độc giả quan tâm đến làng xã của người Việt, nhất là làng xã truyền thống, vì thế, hai tác giả đã sửa chữa, bổ sung và tập hợp thành sách. Trong đó, những ngôi làng truyền thống gồm Mông Phụ, Tả Thanh Oai, Mộ Trạch, Đông Ngạc được nghiên cứu tỉ mỉ từ tổ chức chính trị và xã hội, biến đổi kinh tế, không gian làng, họ và dòng họ, cưới hỏi, ẩm thực… Đặc biệt, chợ làng ở châu thổ sông Hồng cũng được miêu tả kỹ lưỡng, vừa khái quát vừa cụ thể, phản chiếu sống động cả về văn hóa lẫn kinh tế của một vùng đất. Những biến đổi từ tổ chức chính trị - xã hội đến không gian làng, bản sắc, ẩm thực, lễ hội, gia đình, dòng họ và hôn nhân ở làng quê cũng được nêu và diễn giải bằng lối diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, các tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski đã biết vận dụng những lý thuyết hiện đại vào nghiên cứu làng xã Việt Nam, cụ thể là làng xã ở châu thổ sông Hồng. “Từng trang sách đọc rất nhẹ nhàng, hấp dẫn, giống như chuyến tham quan đến một ngôi làng, bắt đầu từ không gian làng, mở rộng ra xóm ngõ ra sao, đến tổ chức xã hội và hoạt động kinh tế thế nào… Đây là một cuốn sách tôi cho là đáng đọc”.

Một góc chợ ở làng Nôm, Hưng Yên

Hiểu thêm về đất và người

Làng là đơn vị tụ cư truyền thống lâu đời ở nông thôn. Ở Việt Nam, làng trở nên quan trọng vì gắn liền với mối liên kết cộng đồng: Dòng họ, phe giáp, phường thợ. Riêng tiếp cận nghiên cứu về làng mạc sông Hồng đã chỉ ra tính tụ cư mạnh mẽ của một cộng đồng, gắn với các phong tục, tập quán, giá trị và chuẩn mực chung về sinh hoạt, lối sống, tâm lý, tư tưởng, đạo đức, phương thức ứng xử trong gia đình, cộng đồng cũng như phương thức ứng xử với tự nhiên, môi trường sống… Một mặt làng Việt mang tính khép kín, bản vị, song nó lại chính là nơi lưu giữ, bảo vệ văn hóa làng chống lại sự xâm lăng, đồng hóa của văn hóa ngoại lai. Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, hội làng là biểu hiện của tính toàn thể, tính thống nhất, tính riêng biệt của cộng đồng làng.

Những năm gần đây, sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình phát triển tất yếu của làng xã đã tác động tích cực về đời sống kinh tế, cơ sở hạ tầng xã hội và các giá trị tinh thần theo xu hướng hội nhập. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những nguy cơ phá vỡ cấu trúc và tác động tiêu cực tới giá trị truyền thống của làng từ nhiều góc độ. Dễ thấy, các yếu tố của văn hóa công nghiệp và văn hóa đô thị đang dần len lỏi, chiếm ưu thế so với văn hóa truyền thống. Ví dụ, việc cải thiện, xây dựng và “hiện đại hóa” cơ sở hạ tầng trong làng như thay thế đường gạch vỉa nghiêng bằng đường bê tông, xây mới các kiến trúc cao tầng xen lẫn hay thay thế các ngôi nhà cổ, bê tông hóa kiến trúc, “trẻ hóa” di tích, thu hẹp các không gian xanh, mặt nước… đã phá vỡ cấu trúc và cảnh quan không gian làng.

Từ nghiên cứu đời sống văn hóa ở làng Việt, PGS. TS. Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu thực tế sáp nhập cơ học các làng hiện nay để phục vụ quá trình quản lý hành chính. Bởi vì làng là đơn vị tụ cư, còn xã là đơn vị hành chính, hai khái niệm không đồng nhất nếu nhập lại có thể ảnh hưởng đến tính “tự trị” của cộng đồng làng. “Sáp nhập về mặt hành chính thì đơn giản rồi, nhưng tâm lý làng, phong tục tập quán của làng… nhập lại rất khó, mà đã khó thì không những không khơi dậy mà còn làm giảm nội lực của làng”.

Từ những ý kiến trên cho thấy, làng Việt cần được nhận diện và đánh giá với một hệ giá trị đa dạng, tổng hòa, đã được tích tụ, lưu truyền trong suốt quá trình hình thành, tồn tại. Mỗi công trình nghiên cứu chuyên sâu về một làng, hay đánh giá tổng thể các làng, giúp cho việc nhận diện các giá trị của quá khứ tạo nên bản sắc, đặc trưng của mỗi ngôi làng. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cho rằng, nghiên cứu về làng xã đã có quá trình lịch sử lâu dài, luôn giành được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Thông qua đó để mỗi người nhận diện giá trị căn cốt truyền thống, đóng góp vào quá trình phát triển tất yếu của làng xã trong bối cảnh nông thôn Việt Nam đang có những thay đổi ngày càng lớn.

Thái Minh