Nâng cao năng suất lao động ở doanh nghiệp nhỏ và vừa

Có chính sách hỗ trợ thỏa đáng

- Thứ Bảy, 19/10/2019, 07:34 - Chia sẻ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam thu hút khoảng 62% lực lượng lao động của nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 40% GDP của cả nước, trong đó theo thống kê phần lớn đóng góp này từ khu vực kinh tế cá thể (30%) và chỉ khoảng 9 - 10% GDP từ các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù vậy, chất lượng lao động tại khu vực này rất thiếu và yếu, cần có những giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía.

Yếu và thiếu

Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam, thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); năng suất lao động tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016 - 2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Tính chung giai đoạn 2011 - 2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm. Tuy nhiên, giữa các loại hình doanh nghiệp lại có sự chênh lệch lớn về năng suất lao động, nhất là tại những DNNVV chất lượng lao động ở khu vực này khá thấp.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp tại khu vực này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, năng suất lao động của DNNVV thấp hơn các doanh nghiệp lớn vì đầu tư về vốn của DNNVV cũng hạn hẹp hơn rất nhiều, các doanh nghiệp này bao giờ cũng sẽ khó tiếp cận được với các công nghệ hàng đầu, không có điều kiện để tham gia vào các chuỗi sản xuất để có năng suất lao động cao. Nhưng khu vực DNNVV lại là khu vực rất quan trọng bởi khu vực này có thể giải quyết được lực lượng lao động lớn nhất trong nền kinh tế nên phát triển DNNVV và nâng cao năng suất trong khu vực này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động quốc gia. Chính vì vậy, cần phải có các giải pháp hỗ trợ về chính sách, về nguồn vốn và đặc biệt cần hỗ trợ về nghề để nâng cao chất lượng lao động tại khu vực này.


Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để nâng cao năng suất lao động Nguồn: ITN

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Theo nhiều chuyên gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được Chính phủ các nước quan tâm đặc biệt và thể hiện qua rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển. Đơn cử như Luật Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực được áp dụng từ năm 1985 ở Nhật Bản. Luật Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực quy định trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Lao động là người phác thảo kế hoạch làm cơ sở cho việc đào tạo nghề nghiệp và phát triển khả năng nghề nghiệp phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động, bảo đảm thỏa mãn yêu cầu và nguyện vọng của người lao động trong môi trường thường xuyên biến đổi. Luật đã tạo cơ hội được đào tạo cho bản thân các chủ lao động. Trước đây chỉ có công nhân mới được đào tạo song hiện nay đã được mở rộng đến những đối tượng khác ngoài công nhân, kể cả chủ công ty, xí nghiệp…

Từ thực tế trên, nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động tại DNNVV, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 49/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV. Theo đó, từ ngày 23.9, người lao động làm việc trong DNNVV tham gia khóa đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa học. Các chi phí còn lại để tham gia khóa đào tạo nghề do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, bao gồm: Phần chênh lệch trong trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn 2 triệu đồng; tiền ăn, đi lại và các chi phí khác phát sinh khi học viên tham gia khóa đào tạo.

Chính sách hỗ trợ được đánh giá là “kích cầu” ý thức nâng cao tay nghề cho lao động, đồng thời hỗ trợ một phần chi phí để DNNVV đào tạo nguồn lao động bài bản và có chất lượng hơn. Song theo các chuyên gia, để các DNNVV có đủ nguồn lao động và đáp ứng nhu cầu của công việc, thì ngoài việc tăng cường đầu tư, tập trung nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu về số lượng lao động cho các doanh nghiệp thì còn cần tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề trong công tác đào tạo. Các doanh nghiệp không chỉ cung cấp thông tin nhu cầu về trình độ của người lao động mà còn trực tiếp tham gia đào tạo nghề từ việc xây dựng chương trình, tiêu chuẩn kỹ năng, nơi thực hành cho lao động học nghề. Cùng với đó, việc lựa chọn nội dung, hình thức đào tạo, phát triển phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng của DNNVV.

Bảo Anh