Thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội

Có chính sách đặc thù đối với trường nghệ thuật

- Thứ Năm, 11/07/2019, 19:36 - Chia sẻ
Chiều 11.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Nội dung được nhấn mạnh tại buổi làm việc là cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với khối trường nghệ thuật.

Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là trường đào tạo văn hóa nghệ thuật duy nhất của Thủ đô Hà Nội và trực thuộc UBND TP Hà Nội. Trường được thành lập năm 1967, trải qua 52 năm xây dựng và trưởng thành, đã góp phần không nhỏ vào việc cung cấp nhân lực, đào tạo nhân tài và nâng cao dân trí cho Thủ đô và cả nước. Đến nay, nhà trường có quy mô đào tạo trên 1.260 học sinh, sinh viên, với 12 mã ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 7 mã ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Tổng số cán bộ viên chức nhà trường là 108 người, trong đó 96 giảng viên và giáo viên cơ hữu, có trên 100 giảng viên thỉnh giảng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Theo Hiệu trưởng nhà trường, NSƯT Dương Minh Ánh, từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời và chủ trương chuyển đổi cơ quan quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhà trường đã nhanh chóng bắt kịp các nội dung yêu cầu; tâm lý của cán bộ, giảng viên nhà trường đã dần ổn định và đi vào nề nếp. Nhà trường đã có thương hiệu đào tạo và nằm ở vị trí trung tâm thành phố, do đó công tác tuyển sinh, hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức các sự kiện thuận lợi hơn so với các trường đào tạo cùng ngành nghề ở địa phương khác. Bên cạnh đó, quy định về tỷ lệ chương trình giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành, đội ngũ nhà giáo... cũng tạo thuận lợi hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, về lâu dài, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng tạo ra không ít vướng mắc, cần phải sửa đổi. Nhiều quy định trong Luật nhà trường nói riêng cũng như khối các trường cao đẳng, trung cấp nghệ thuật nói chung, không thấy mình trong đấy, như mục tiêu, đối tượng, thời gian đào tạo...

Ngoài ra, do Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chủ yếu đào tạo lĩnh vực nghệ thuật ở trình độ cao đẳng và trung cấp đóng trên địa bàn Hà Nội là nơi có nhiều trường đại học đào tạo cùng lĩnh vực, nên có sự cạnh tranh lớn về đầu vào tuyển sinh; phụ huynh có tâm lý muốn con em mình học đại học hơn học nghề; chi phí đào tạo cao hơn các ngành khác bởi đào tạo 2 thầy/trò, thời gian đào tạo dài (trung cấp 3, 6, 7, 9 năm; cao đẳng 2, 3 năm). Hoạt động liên thông còn nhiều vướng mắc, khiến học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng trong cùng khối ngành đào tạo khi học lên đại học phải học lại toàn bộ kiến thức đã học, kéo dài thời gian, tốn kinh phí. Vấn đề xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với giáo dục nghề nghiệp còn bất cập khi quy định cứng về công trình nghiên cứu khoa học...


Đoàn giám sát thăm quan trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Triệu Thế Hùng đánh giá cao những cố gắng của nhà trường trong việc bắt kịp quy định, chính sách mới trong quá trình thay đổi quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng chỉ ra rằng, một số vấn đề mà nhà trường kiến nghị như liên thông đã được nhiều văn bản luật điều chỉnh, trong đó có Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở các quy định đó, nhà trường cần chủ động hơn, muốn liên thông với cơ sở đại học nào cần làm việc trực tiếp với cơ sở đó để công nhận tiến trình học của nhau. Giáo án ngành nghệ thuật không thể giống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, nên việc thiết kế, biên soạn phải linh hoạt hơn. Việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với khối trường nghệ thuật vẫn cần quy định tiêu chí nghiên cứu khoa học, song cũng nên mềm dẻo hơn, như có thể phiên ngang giải thưởng với sản phẩm nghiên cứu khoa học... Đặc biệt là vấn đề tự chủ đặt ra đối với các trường nghề khác khối đại học, nhưng cần thống nhất rằng, tự chủ là thuộc tính của các cơ sở giáo dục, và để được thực hiện quyền tự chủ, các cơ sở phải đáp ứng điều kiện nhất định. Riêng với ngành văn hóa nghệ thuật, bài toán tự chủ cũng có những đặc thù cần xem xét thấu đáo.

Tin và ảnh: Thái Minh