Cơ chế tài chính cho hoạt động KH - CN chưa linh hoạt

- Thứ Bảy, 16/04/2011, 07:38 - Chia sẻ
Hoạt động KH - CN ở nước ta trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc; nhiều chính sách mới dần đi vào cuộc sống góp phần nâng cao vị thế KH - CN nước nhà. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động KH - CN là cơ chế tài chính còn chưa linh hoạt dẫn đến mức đầu tư thấp, không tập trung - Đây là nút thắt cần sớm được tháo gỡ để KH - CN nước ta phát triển mạnh mẽ hơn.

Nguồn: vietnamtime.org

Nhiều cơ chế, chính sách mở...

Theo báo cáo của Bộ KH - CN, trong giai đoạn 2006 - 2010, Nhà nước duy trì mức đầu tư hằng năm cho hoạt động KH-CN đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5 - 0,6% GDP). Cùng với đó, cơ chế, chính sách tài chính cho KH - CN cũng đã được đổi mới theo hướng tăng dần tỷ lệ chi cho KH - CN trong tổng chi ngân sách nhà nước và đa dạng hoá nguồn đầu tư phát triển KH - CN.

Cụ thể, Bộ KH - CN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ Phát triển KH - CN của doanh nghiệp; tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH - CN công lập và Nghị định số 80/2007 về doanh nghiệp KH - CN đã trao quyền tự chủ cao nhất cho các nhà khoa học và các tổ chức KH - CN. Và mới đây nhất là Nghị định 96/2010, có hiệu lực từ ngày 6.11.2010 đã có nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp KH - CN, cụ thể là được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, Bộ KH - CN cũng đã ban hành nhiều chính sách về quản lý tài chính tác động lớn đến sự phát triển KH - CN địa phương. Cụ thể là Thông tư liên tịch số 44/2007 về định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí nhiệm vụ KH - CN và Thông tư liên tịch số 93/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của nhiệm vụ KH - CN sử dụng ngân sách nhà nước. Hai Thông tư  này đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, thủ tục thu chi đơn giản hơn rất nhiều, được các nhà khoa học đánh giá cao.

... nhưng vẫn vướng

Có thể nói nhiều cơ chế, chính sách về quản lý tài chính được ban hành đã góp phần thúc đẩy KH - CN nước ta có những khởi sắc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cơ chế tài chính cho hoạt động KH - CN hiện nay chưa tạo động lực cho KH - CN phát triển mạnh; chưa tạo ra sự tự chủ cao đối với các tổ chức KH - CN. Đây là một vấn đề mấu chốt, là nút thắt cần tháo gỡ trong phát triển KH - CN và cũng là vấn đề được nhắc đến nhiều nhưng chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.

Theo GS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam: hiện nay kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng quá thấp so với mặt bằng chung các nước. Kinh phí khoa học của cả Bộ NN và PTNT một năm khoảng 55 triệu USD. Trong khi đó, một viện nghiên cứu lúa quốc tế tới 60 triệu USD, viện lúa Thái Lan 11 triệu USD, viện lúa Philippines tới 7 triệu USD...

Còn Vụ trưởng Vụ KH - CN, Bộ NN và PTNT Triệu Văn Hùng thì cho rằng: mặc dù đã có những đổi mới về cơ chế quản lý tài chính, nhưng hiện nước ta còn thiếu kinh phí dành cho quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao ở các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các cán bộ đầu ngành; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu KH - CN còn thiếu, đặc biệt là cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư cho KH - CN.

Cùng với việc, kinh phí đầu tư thấp, cơ chế tài chính chưa linh hoạt,  nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho KH - CN còn dàn trải, thiếu tập trung cho các lĩnh vực, công trình trọng điểm; thiếu biện pháp hữu hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; và thiếu các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm để khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh...

Gỡ vướng bằng cách nào?

Rõ ràng, việc đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH - CN đang là một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều nhà khoa học, quản lý, doanh nhân đã đóng góp ý kiến để hoạt động KH - CN được cải thiện theo hướng ngày một hiệu quả. Giám đốc Sở KH - CN TP Hồ Chí Minh Phan Minh Tân kiến nghị: đối với những nhiệm vụ khoa học và công nghệ do doanh nghiệp chủ trì, doanh nghiệp cần đầu tư 70 - 80% kinh phí và chi trước toàn bộ kinh phí để thực hiện, Nhà nước chỉ cấp kinh phí hỗ trợ từ 20 - 30% theo phương thức thanh toán sau khi kết thúc đề tài...

Còn Tổng giám đốc Công ty Naiscorp Nguyễn Xuân Tài thì cho rằng: Bộ KH - CN cần đẩy mạnh các chủ trương và chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH - CN một cách trực tiếp, nhằm đẩy nhanh và ưu tiên ứng dụng công nghệ “Made in Vietnam”, đặc biệt do các nhóm nghiên cứu trẻ sáng tạo ra...

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân cho rằng: “trong hoàn cảnh chúng ta còn nghèo, việc đầu tư cho KH -CN là khó khăn. Nhưng kinh nghiệm các nước cho thấy, càng nghèo càng phải đầu tư cho KH -CN... Theo tôi, cần phải làm ba việc để phát triển KH - CN của đất nước: thứ nhất, cần huy động đầu tư  từ xã hội gấp đôi, ba đầu tư từ ngân sách; thứ hai, với kinh phí ít ỏi, chúng ta nên đầu tư cho những lĩnh vực trọng điểm, giải quyết những bức xúc nhất của nền kinh tế; thứ ba, cần phải tập trung nguồn ngân sách để đào tạo, thu hút nguồn đội ngũ nhân lực KH -CN trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành”.

Theo định hướng phát triển KH - CN giai đoạn 2011 - 2015 thì đổi mới cơ chế tài chính; thay thế cơ chế tài chính hành chính bằng cơ chế tài chính sự nghiệp... là một trong những vấn đề trọng tâm. Được biết, Bộ KH - CN đang tiến hành xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH -CN để trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2011 này. Hy vọng, đây sẽ là điểm đột phá tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH - CN hoạt động theo cơ chế tự chủ; thúc đẩy đầu tư của toàn xã hội cho KH - CN; tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống các quỹ KH -CN; tạo điều kiện cho các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu nhiều hơn và được làm chủ những tài sản trí tuệ do mình tạo ra.

Hoàng Hà Lê