Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong giải quyết các vấn đề về trẻ em

- Thứ Năm, 11/04/2019, 18:56 - Chia sẻ
Chiều 11.4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức tọa đàm về “Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm. Cùng tham gia có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội, UNICEF và các chuyên gia.

Theo đó, sẽ đề xuất thành lập Tiểu ban về quyền trẻ em, gồm các ĐBQH là đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, cùng một số thành viên không phải ĐBQH, trong đó Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ là cơ quan thường trực.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm

Việc thành lập Tiểu ban về quyền trẻ em nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em thông qua công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến quyền trẻ em và giám sát việc thực thi của Chính phủ cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Đề xuất các biện pháp nhằm xây dựng hệ thống chính sách toàn diện bảo vệ và thúc đẩy quyền, lợi ích của trẻ em, cũng như phòng ngừa những hành động gây tổn hại, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em. Bảo đảm việc lồng ghép quyền trẻ em trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến trẻ em của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân là Trưởng nhóm nghiên cứu Đề án xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều nhất trí với việc thành lập Tiểu ban về quyền trẻ em nhằm tăng cường sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan của Quốc hội trong vấn đề này. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn làm rõ cơ chế phối hợp hiện hành, những khó khăn, vướng mắc, từ đó tìm ra mô hình hoạt động phù hợp để giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến trẻ em.


Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, cần làm rõ cơ chế phối hợp hiện hành, từ đó tìm là cơ chế phù hợp, hiệu quả

Theo đánh giá, hiện nay thực hiện giám sát quyền trẻ em đã có các cơ quan của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, nhưng vai trò chưa thực sự rõ nét, nhiều vụ việc nghiêm trọng vẫn xảy ra. Việt Nam cũng có hệ thống hỗ trợ pháp lý mà trẻ em có thể được thụ hưởng, song ít người biết đến và thiếu cán bộ tư vấn pháp lý chuyên sâu về trẻ em.


ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp vốn có giữa các cơ quan của Quốc hội cũng như phát huy hết quyền năng của cá nhân ĐBQH để đạt hiệu quả cao hơn trong bảo vệ quyền trẻ em

Về phía Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ được phân công phụ trách lĩnh vực trẻ em, song do phạm vi trách nhiệm trải rộng trên nhiều lĩnh vực, do đó, vấn đề trẻ em có vị trí hoạt động khiêm tốn trong công tác của Ủy ban. Công tác phối hợp giám sát việc thực hiện quyền trẻ em giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban còn rất hạn chế, chủ yếu dừng ở việc tham gia các đoàn giám sát hoặc dự án.

Vì thế, các đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý việc thành lập cũng như chức năng, nhiệm vụ của Tiểu ban về quyền trẻ em, tránh chồng chéo hoặc xung đột trong hoạt động…

Tin và ảnh: Ng.Anh