Cơ chế hỗ trợ hoạt động của nghị sỹ Canada và Panama: Ban thư ký Quốc hội Panama

- Thứ Sáu, 15/05/2009, 00:00 - Chia sẻ
Ban thư ký Quốc hội Panama (được bầu nhiệm kỳ 5 năm) gồm Tổng thư ký và 2 Phó tổng thư ký; Một Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề lập pháp có trách nhiệm về các hoạt động hỗ trợ tư vấn lập pháp; một Phó tổng thư ký phụ trách vấn đề hành chính có trách nhiệm lập kế hoạch và phối hợp quản lý ngân sách, các vấn đề nội bộ. Tổng thư ký và Phó tổng thư ký được bầu ra tại Hội nghị toàn thể...

Tổng số cán bộ công chức, nhân viên Văn phòng Quốc hội Panama là 1.229 người, trong đó 1.059 cán bộ thường xuyên; 63 người hợp đồng vụ việc và 107 người hợp đồng.

Ban thư ký gồm 9 vụ và các đơn vị sau:

Vụ tư vấn kỹ thuật pháp lý Quốc hội: gồm các chuyên gia tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính, nông nghiệp, thương mại... Các chuyên gia có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn cung cấp thông tin tối đa cho nghị sỹ, kể cả việc nghiên cứu và so sánh với hệ thống luật pháp của các nước trong quá trình soạn thảo luật.

Vụ tư vấn lập pháp: có 140 người phụ trách từ khâu sáng kiến lập pháp đến khi hoàn thành luật, phục vụ hoạt động các Ủy ban và phiên họp toàn thể (như nghiên cứu, thảo luận, bỏ phiếu, soạn thảo dự thảo luật trình ra phiên toàn thể...). Có 2 nhóm cán bộ thuộc vụ: 50-70 người là chuyên gia cố vấn các lĩnh vực khác nhau; 15-20 người là luật sư chia làm 8 nhóm theo các chuyên đề khác nhau để giúp cho các Ủy ban như nhóm thư ký lập pháp, nhóm nghiên cứu về kinh tế, xã hội, môi trường, nông nghiệp, nhóm nghiên cứu về quyền con người, vấn đề chống ma túy. Khi nghị sỹ có sáng kiến lập pháp sẽ tìm các cố vấn và Vụ sẽ cử cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực đó giúp đại biểu.

Vụ Hành chính-quản trị-tài chính: có nhiệm vụ lập kế hoạch ngân sách, phối hợp kiểm tra đánh giá hoạt động tài chính. Thực hiện báo cáo định kỳ với Chủ tịch Quốc hội và Tổng thư ký. Vụ chia làm 3 phòng: Phòng kế toán: 33 người, Phòng ngân sách: 15 người và Phòng mua sắm trang thiết bị: 31 người.

Vụ Kiểm toán nội bộ: Kiểm tra các hoạt động về tài chính theo các chỉ tiêu, định mức, xem xét tính đúng đắn của hoạt động tài chính và đề ra hướng khắc phục thiếu sót.

Vụ Tổ chức- cán bộ: gồm các phòng: quản lý nhân sự, phòng lợi ích xã hội, phòng đào tạo, phòng đăng ký và kiểm soát nhân lực, phòng hợp đồng. Vụ có nhiệm vụ quản lý và xây dựng kế hoạch nhân sự, biên chế; Kiểm tra thống kê và phối hợp hoạt động giữa các bộ phận, dự thảo các hợp đồng lao động...

Vụ Cơ sở hạ tầng-dịch vụ chung: gồm 3 phòng: Phòng dịch vụ chung, phòng văn thư, phòng bảo dưỡng bảo trì và đội xe. Vụ có nhiệm vụ bảo dưỡng nhà, bảo đảm nhà cửa khang trang, dịch vụ điện nước, và các trang thiết bị khác...
Vụ Thông tin, tài liệu, xuất bản gồm các phòng: Phòng in ấn, phòng thư viện, lưu trữ, soạn thảo văn bản báo cáo, phòng số hoá (cơ sở dữu liệu) và phòng tin học. Vụ có nhiệm vụ in ấn, số hoá tài liệu, bảo đảm hệ thống thông tin thông suốt Quốc hội và bên ngoài.

Vụ Thông tin công chúng: chịu trách nhiệm tuyên truyền về Quốc hội và phụ trách các chương trình họp báo. Vụ có 3 phòng: phòng quan hệ công chúng, phòng phương tiện truyền thông xã hội và phòng phát thanh, truyền hình nghị viện.

Vụ Ngân sách: Lập quỹ của Quốc hội, cân đối thu chi, và phân bổ nguồn tài chính, đăng ký và kiểm soát quỹ.

Ngoài ra còn có các đơn vị trực thuộc Chủ tịch Quốc hội là Bộ phận cố vấn về công tác đối ngoại; Bộ phận Lễ tân; Bộ phận tư vấn Phủ Tổng thống; Bộ phận Dân nguyện; 2 đơn vị trực thuộc Tổng thư ký là an ninh Nghị viện và phát triển thể chế.

Tùng Lâm