Cơ chế hỗ trợ hoạt động của nghị sỹ Canada và Panama: 3 khối giúp việc

- Thứ Sáu, 15/05/2009, 00:00 - Chia sẻ
Bộ máy giúp việc có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của Quốc hội mỗi nước. Bộ máy giúp việc của Quốc hội Canada và Panama có thể chia thành ba khối rõ rệt: Khối giúp việc cho từng nghị sỹ; Khối giúp việc riêng cho từng Ủy ban; Khối giúp việc chung cho cả Quốc hội.

Khối giúp việc cho từng nghị sỹ: Không thuộc biên chế

CÁC BÀI TRONG CHUYÊN ÐỀ

Ban thư ký QH Panama

Chế độ đãi ngộ xứng đáng

Ở cả 2 nước, mỗi nghị sỹ đều có 2 văn phòng làm việc: một văn phòng tại Thủ đô và ít nhất một văn phòng tại khu vực bầu cử của mình. Các văn phòng này là điểm đến đầu tiên của người dân, khi người dân cần đến sự giúp đỡ của các nghị sỹ. Đây cũng là nơi các nghị sỹ đối thoại trực tiếp với các cử tri và tham gia vào các hoạt động ở địa phương để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tại văn phòng ở địa phương, mỗi nghị sỹ có ít nhất một trợ lý về các vấn đề liên quan đến cử tri. Họ là người giúp nghị sỹ nắm bắt kịp thời các vấn đề gắn với đời sống thường nhật của người dân để chuyển tải tới chính quyền trung ương. Nghị sỹ còn có thể có thêm trợ lý về hành chính tại văn phòng ở địa phương phụ trách các vấn đề về hậu cần, sắp xếp chương trình làm việc. Ở Panama, ngoài việc tiếp xúc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để tác động vào các chính sách chung, nghị sỹ còn tham gia trực tiếp và triển khai các hoạt động cụ thể giúp người dân địa phương như tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về các ngành nghề khác nhau để có thể tìm kiếm được việc làm; Cung cấp bữa ăn miễn phí cho trẻ em nghèo, làm đường nhựa tới các thôn bản... Ngân sách thực hiện được lấy từ kinh phí mà mỗi nghị sỹ được cấp theo quy định hoặc do nghị sỹ đi vận động quyên góp được.

Tại văn phòng ở Thủ đô, ngoài thời gian dành cho các cuộc họp tại Nghị viện và các Ủy ban, ngày làm việc bình thường của một nghị sỹ là nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu, nội dung trình bày, tranh luận; Thẩm tra dự án luật do Chính phủ trình; Tham dự các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc với cử tri, phóng viên báo chí; Trả lời thư từ, tin nhắn, điện thoại.... Vì thế, mỗi nghị sỹ đều có trợ lý về lập pháp và trợ lý hành chính. Trợ lý lập pháp giúp nghị sỹ các vấn đề liên quan đến chức năng lập pháp và xử lý thư từ, công văn đi đến và trả lời mọi câu hỏi liên quan đến Quốc hội, giúp nghị sỹ soạn thảo dự luật do chính nghị sỹ đề xuất. Trợ lý hành chính giúp nghị sỹ sắp xếp các cuộc gặp mặt, các cuộc phỏng vấn, làm việc và chịu trách nhiệm về quan hệ với cơ quan thông tin đại chúng; Chịu trách nhiệm in ấn các tờ rơi gửi tới các cử tri của nghị sỹ. Văn phòng giúp việc cho nghị sỹ ở địa phương và ở trung ương luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ để cùng phối hợp hoạt động, giúp nghị sỹ của mình nắm bắt kịp thời các vấn đề thời sự ở trung ương cũng như ở địa phương. Ngoài những trợ lý làm việc toàn thời gian, nghị sỹ còn có thể tuyển người giúp việc bán thời gian, hoặc theo vụ việc khi cần. Ví dụ như mỗi nghị sỹ ở Panama được phép sử dụng tối đa 4.000 USD/tháng để thanh toán cho trợ lý, thư ký, lái xe và các chi phí khác cho hoạt động của văn phòng ở đơn vị bầu cử. Tuy nhiên, nghị sỹ không trực tiếp trả lương, hoặc thanh toán các khoản chi, mà một bộ phận chuyên trách của Văn phòng Quốc hội thực hiện. Ngoài ra, tất cả những người giúp việc cho mỗi nghị sỹ tại cả hai Văn phòng không thuộc quân số biên chế của Văn phòng Quốc hội. Họ chỉ giúp việc cho nghị sỹ cho tới khi nghị sỹ đó còn cần trong nhiệm kỳ của mình.

Khối giúp việc cho các Ủy ban: Gọn nhẹ

Ủy ban của Quốc hội là một thiết chế quan trọng trong việc giúp Quốc hội thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của mình. Hầu hết các công việc của Quốc hội như thảo luận, thẩm tra các dự án luật, nghiên cứu báo cáo và thực hiện việc giám sát, điều tra các cơ quan chính quyền, thảo luận và thỏa hiệp giữa các đảng về các vấn đề quan trọng... đều được thực hiện ở Ủy ban. Hệ thống Ủy ban của Quốc hội tạo cơ hội tốt nhất để mỗi nghị sỹ có thể tác động được đến chính sách công. Thông qua hệ thống Ủy ban, các nghị sỹ có thể kiểm tra, giám sát vấn đề một cách kỹ lưỡng hơn; Các nghị sỹ có nhiều cơ hội, điều kiện tham gia và đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách. Và cũng thông qua hệ thống Ủy ban, các nghị sỹ thuộc các đảng phái khác nhau có điều kiện trao đổi, hợp tác để đạt được sự đồng thuận và sự thống nhất về mục tiêu, hành động. Trong mỗi Ủy ban, người nghị sỹ có thể thực hiện cả ba vai trò quan trọng của mình: là người đại diện, là nhà lập pháp và là người giám sát. Còn ra hội trường, cơ hội để mỗi nghị sỹ tham gia, đóng góp rất hạn chế. Các Ủy ban có thẩm quyền rất lớn trong việc điều tra, xem xét các văn bản pháp luật, dự toán ngân sách và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền. Đội ngũ giúp việc của mỗi Ủy ban gồm có một thư ký Ủy ban và một số cán bộ nghiên cứu và phân tích chính sách, một vài nhân viên hành chính và hậu cần. Như vậy, đội ngũ giúp việc riêng cho mỗi Ủy ban rất gọn nhẹ nhằm giúp Ủy ban trong các vấn đề liên quan đến quy trình thủ tục ở Ủy ban, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình làm việc của Ủy ban; Phân tích chính sách, kể cả soạn thảo các dự án luật do Ủy ban đệ trình.

Khối giúp việc chung cho Quốc hội: Vai trò nòng cốt

Đây là khối giúp việc được tổ chức thành một cơ quan chính thức, có vai trò nòng cốt phục vụ hoạt động của Quốc hội nói chung; chịu trách nhiệm cung cấp hầu hết các loại hình dịch vụ cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các nghị sỹ trên tinh thần trung lập. Đội ngũ cán bộ thuộc khối này làm việc lâu dài, ổn định cho Quốc hội và là công chức nhà nước. Tùy theo cách gọi của mỗi nước mà cơ quan giúp việc cho Quốc hội có tên là Văn phòng Quốc hội hay Ban Thư ký của Quốc hội. Từ đó người đứng đầu cơ quan giúp việc cho Quốc hội có thể là Chánh Văn phòng Quốc hội hoặc Tổng Thư ký của Quốc hội. Cả Canada và Panama đều tổ chức bộ máy giúp việc cho Quốc hội theo hình thức Ban Thư ký. Người đứng đầu điều hành và chịu trách nhiệm chung là Tổng thư ký của quốc hội. Giúp việc cho Tổng thư ký là hai Phó tổng thư ký: một Phó tổng thư ký phụ trách về các vấn đề chuyên môn (lập pháp); một Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề hành chính. Nhìn chung cơ quan giúp việc thường được chia thành các nhóm: nhóm phục vụ công tác nghiệp vụ (hỗ trợ lập pháp), nhóm phục vụ công tác Hành chính-quản trị, nhóm thông tin, thư viện và nghiên cứu và nhóm chịu trách nhiệm về qui trình và thủ tục. Việc bổ nhiệm chức danh của bộ máy giúp việc do người đứng đầu là Tổng thư ký quyết định.

Khánh Chi