Cơ chế hỗ trợ hoạt động của Nghị sỹ Australia: Bảo đảm quyền lợi cho nghị sỹ hoàn thành tốt chức năng đại diện

- Thứ Sáu, 14/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Đại diện là một trong ba chức năng quan trọng của bất kỳ Nghị viện nào. Việc bảo đảm nguồn lực hoạt động và bảo đảm cuộc sống cho đại biểu dân cử là một trong nhữäng yếu tố then chốt giúp họ hoàn thành tốt chức năng đại diện.

Một trong những yếu tố giúp bảo đảm tính công bằng trong bầu cử là quy định liên quan đến việc một nghị sỹ đương nhiệm sử dụng các nguồn lực của nghị viện. Cụ thể, các nghị sỹ không được phép sử dụng văn phòng làm việc tại nghị viện hoặc tại khu vực cử tri dưới bất kỳ hình thức nào cho các mục đích vận động bầu cử. Họ không được sử dụng điện thoại nơi làm việc hoặc sự giúp đỡ của các nhân viên phục vụ nghị viện cho các mục đích bầu cử. Bên cạnh đó, một khi cuộc bầu cử đã được ấn định và chiến dịch bầu cử đã bắt đầu thì nhà lãnh đạo sẽ không đưa ra những quyết định quan trọng hoặc những quyết định có thể làm thay đổi chính sách trong giai đoạn vận động. 

Mỗi nghị sỹ trúng cử đều được tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện chức năng đại diện cho công dân. Yếu tố đầu tiên là việc trả lương cho nghị sỹ. Việc trả lương hợp lý không chỉ giúp các nghị sỹ có điều kiện vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn giúp các nghị sỹ tránh được nguy cơ tham nhũng.

Australia có một cơ quan độc lập xây dựng và quyết định các chế độ đối với nghị sỹ. Các quyết định này là các văn bản pháp lý. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng có quyền đưa ra quy định khác như chế độ dành cho Cựu Thủ tướng...

Chi phí cho một nghị sỹ liên bang khoảng 300 triệu đôla Úc/năm. Kinh phí này chỉ giúp thực hiện công việc nghị sỹ chứ không phục vụ các công việc của đảng chính trị. Các khoản chi cho nghị sỹ gồm có: lương; chi phí cho phương tiện hoạt động như chi phí cho Văn phòng của nghị sỹ tại đơn vị bầu cử, giao thông đi lại, bưu điện; chi phí thuê nhân viên giúp việc (tối đa là 4 nhân viên), cụ thể là: Lương cơ bản của nghị sỹ: 127.060.000 AUS/năm; chi phí bầu cử (được tính dựa trên diện tích của đơn vị bầu cử); chi phí cho văn phòng của nghị sỹ tại đơn vị bầu cử; trang thiết bị văn phòng, bao gồm cả hệ thống mạng máy tính; bưu phí và các dịch vụ chuyển phát thư; văn phòng của nghị sỹ tại Nhà Quốc hội; lương của 4 nhân viên giúp việc nghị sỹ; chi phí đào tạo nhân viên giúp việc; chi phí đi lại của nghị sỹ; phụ cấp xa gia đình để làm công việc của Quốc hội; chi phí đi lại cho thành viên của gia đình nghị sỹ, bao gồìm 9 chuyến đi đến thủ đô Cannberra cho vợ/chồng nghị sỹ; 3 chuyến đi đến thủ đô Cannberra cho con của nghị sỹ; chi phí in ấn, phát hành các tờ tin của nghị sỹ, tối đa là 100.000 AUS/năm; chi phí điện thoại bàn, internet và 2 điện thoại di động (hoặc 1 điện thoại di động và 1 thiết bị cầm tay MPDA); chi phí báo chí cho nghị sỹ tại đơn vị bầu cử; dịch vụ ảnh tại Nhà Quốc hội; nghiên cứu tham quan ở nước ngoài; các chi phí bổ sung khác, bao gồm phụ cấp cho nghị sỹ; phụ cấp trả lương cho nhân viên...

Nghị sỹ có trách nhiệm giải trình về các chi tiêu của họ. Danh sách chi tiêu của các nghị sỹ được trình Quốc hội (chẳng hạn danh sách chi tiêu của nghị sỹ trong 6 tháng cuối năm 2007...) và báo chí được cung cấp thông tin về danh sách này. Chế độ của nghị sỹ và việc sử dụng chế độ này có hợp pháp hay không cũng là vấn đề đượcquan tâm.

Bên cạnh đó, các nghị sỹ cũng được đáp ứng các nguồn lực thích đáng để thực hiện nhiệm vụ của họ. Đó là việc phân bổ hợp lý số lượng nhân viên từ một người đối với thượng nghị sỹ ở các bang nhỏ tới 4 hoặc 5 người cho các nghị sỹ liên bang. Văn phòng làm việc của nghị sỹ không chỉ tại tòa Nhà Quốc hội mà còn ở khu vực cử tri mà nghị sỹ đó đại diện (và tại những khu vực cử tri biệt lập hay khu vực địa lý lớn có thể là 2 hoặc 3 văn phòng).

Từ nhiều năm nay, Nghị viện quốc gia và các nghị viện bang đã cho công bố sổ sách tài chính trong đó các nghị sỹ phải kê khai chi tiết các nguồn lợi tài chính. Một số nghị viện còn yêu cầu công khai cả nguồn lợi tài chính của vợ hoặc chồng nghị sỹ. Biện pháp này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của nghị sỹ và Nghị viện.

Văn phòng Tư vấn Nghị viện (OPC) được thành lập theo đạo luật về tư vấn Nghị viện năm 1970. Mục tiêu hoạt động của OPC là hỗ trợ Chính phủ và Nghị viện thực hiện công tác lập pháp bằng cách soạn thảo và chỉnh lý các dự luật. Cơ quan này hiện có khoảng 45 nhân viên, là những luật sư hoặc chuyên gia về luật học, có quan điểm chính trị trung lập.

Với sự hỗ trợ của Văn phòng Tư vấn Nghị viện, số lượng các dự án luật do nghị sỹ trình ngày càng có xu hướng tăng. Theo thống kê của Văn phòng Nghị viện, nếu trong giai đoạn 1901-1987, chỉ có 59 dự án luật được trình theo sáng kiến của các nghị sỹ thì đến năm 2001, con số này đã lên đến 246 dự luật.