Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Cơ chế, chính sách cần đồng bộ để “giữ chân” nhân tài

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:12 - Chia sẻ
Theo Nguyên Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ĐÀO DUY QUÁT, nếu không có quan điểm đúng, thiếu cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài đúng chỗ sẽ khó giữ chân được nhân tài. Đã đến lúc, Đảng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đồng bộ, tạo điều kiện và bảo vệ nhân tài - những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

Yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách

- Chọn nhân sự - lựa nhân tài như thế nào đang là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về công tác này?

- Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ đã bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"; "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".

Ảnh: Thanh Chi

Thu hút và trọng dụng nhân tài là vấn đề lớn không chỉ đặt ra tại thời điểm này. Từ xa xưa, dân tộc ta đã có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Bài học trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam và kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, quốc gia nào làm tốt việc thu hút và trọng dụng nhân tài sẽ thúc đẩy được tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh.

Chúng ta đang bước vào thời đại của khoa học và tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Chúng ta cũng xác định kinh tế tri thức là chiến lược phát triển quốc gia. Sự phát triển đó phải dựa vào tri thức và tiềm năng sáng tạo của con người. Vì thế, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững thì thu hút và trọng dụng nhân tài là yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước ta.

- Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện, rèn giũa, bồi dưỡng công phu. Điều này được thể hiện như thế nào trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của ta hiện nay, thưa ông?

- Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nhân tài đối với sự nghiệp cách mạng, ngay từ khi Đảng ra đời và trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn coi trọng và quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Người nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước, trong đó có công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội X, Trung ương Đảng xác định có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài và Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… Từ đó đến nay, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài nhiều lần được nêu trong các văn kiện của Đảng, được các cấp ủy đảng coi trọng, xây dựng thành các chương trình, đề án để triển khai và đã thu được một số kết quả.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong những năm qua còn hạn chế. Nhìn tổng thể, chúng ta chưa có riêng chương trình, chính sách về công tác nhân tài với đầy đủ các nội dung, từ phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đến sử dụng một cách hợp lý, mà dường như mới chỉ là một nhánh thứ yếu trong công tác cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài chưa có nơi đào tạo với chương trình, nội dung riêng, chuyên sâu.

Chính sách đồng bộ trong thu hút, trọng dụng nhân tài 

- Theo ông, để thu hút và trọng dụng nhân tài phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?

- Để làm được điều này, trước hết chúng ta cần cải cách căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, vì tài năng của đất nước trước hết được sản sinh từ quá trình giáo dục, đào tạo. Từ lâu, nền giáo dục cách mạng đã hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam với 4 giá trị đặc trưng là “đức, trí, thể, mỹ”. Trong quá trình ấy, chúng ta phải phát hiện và nuôi dưỡng được tài năng.

Thực tiễn hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội cũng là môi trường để nhân tài bộc lộ, phát huy tài năng. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế và trách nhiệm phát hiện, nuôi dưỡng tài năng. Ví dụ, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tìm kiếm, phát hiện người kế cận nhằm tìm người lãnh đạo thay thế anh, tốt hơn anh. Có như vậy thì đất nước mới phát triển.

Hiện nay, chúng ta có chính sách trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Trong cơ cấu của các cấp ủy Đảng đã dành tỷ lệ từ 10% trở lên cho cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Cùng với đó là các quy định giới hạn về độ tuổi tham gia cấp ủy, cán bộ giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp… nhằm tạo điều kiện nuôi dưỡng nhân tài, bảo đảm lực lượng kế cận cho các vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, một nguy cơ rất thật là việc thu hút và trọng dụng nhân tài nếu không có quan điểm đúng, hệ thống không có trách nhiệm, thiếu cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài đúng chỗ thì chúng ta sẽ không "giữ chân" được nhân tài.

- Theo ông chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài cần có sự điều chỉnh như thế nào để bảo đảm giữ chân được nhân tài?

- Thực tế hiện nay có không ít quy định đã lỗi thời, lạc hậu cản trở sự dám nghĩ, dám làm của cán bộ, nhất là những cán bộ trẻ nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá. Chính điều này dễ làm cho cán bộ có tâm lý an phận thủ thường. Trong thực tiễn triển khai nhiệm vụ, có những hoàn cảnh cần sự xé rào, đổi mới thì lúc này mới thực sự cần cán bộ có bản lĩnh và tài năng. Vì thế, bên cạnh thực hiện đồng bộ các chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, đã đến lúc, Đảng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện và bảo vệ những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để sự nghiệp phát triển được bứt phá.

Đặc biệt cần thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật để bảo vệ họ. Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về việc các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng, trẻ hóa cán bộ ở cấp mình. Phải rất coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, cũng như bảo vệ những cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

- Trẻ hóa cấp ủy là yêu cầu luôn được nêu ra tại mỗi kỳ đại hội Đảng bộ các cấp. Song mặt khác, phải chăng cơ chế này cũng tạo ra kẽ hở để một số con em lãnh đạo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn được “cài cắm” để trở thành lãnh đạo kế cận trong bộ máy, thưa ông?

- Ở đây có hai mặt của vấn đề. Con em cán bộ, lãnh đạo nếu được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo tốt và có tiềm năng thì việc bồi dưỡng, tạo điều kiện cho con em lãnh đạo kế thừa, phát huy truyền thống gia đình, trở thành thế hệ lãnh đạo kế cận là tốt. Đương nhiên, quá trình đó phải bảo đảm công bằng và minh bạch. Song mặt khác, cũng có không ít trường hợp con em lãnh đạo trở thành cán bộ, lãnh đạo nhờ sự “nâng đỡ không trong sáng”, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân. Do đó, quan trọng nhất là người được bổ nhiệm phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn đối với cán bộ; quy trình bổ nhiệm phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và người làm công tác cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan.

Trong nhiệm kỳ Khóa XII này, không ít cán bộ lãnh đạo trẻ để xảy ra vi phạm, bị xử lý kỷ luật, trong đó có con em lãnh đạo. Do đó, để lựa chọn tốt cán bộ trong thời điểm hiện nay, phải quyết liệt hơn, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Đồng thời phải có thước đo đánh giá sự hiệu quả của cán bộ. Hiệu quả công tác của cán bộ là thước đo mọi tiêu chuẩn nên cần tập trung vào hiệu quả công việc của cán bộ chủ chốt của địa phương, bộ, ngành trong nhiệm kỳ vừa qua.

- Xin cảm ơn ông!

 

Nhật An