HỘI ĐỒNG HIẾN PHÁP CH CHAD

Cơ cấu tổ chức: những sửa đổi để tăng tính độc lập

- Thứ Sáu, 08/08/2014, 15:24 - Chia sẻ

Các quy định về Hội đồng Hiến pháp được quy định tại Chương 7, từ Điều 160 đến Điều 171 của Hiến pháp 1996 sửa đổi bổ sung năm 2005 của CH Chad.  Hiến pháp Chad quy định rõ tại Điều 160 rằng: Nay thiết lập một Hội đồng Hiến pháp. Các quy định sau đó tại Chương 7 xác lập khuôn khổ pháp lý tối cao cho Hội đồng Hiến pháp từ thành phần, nhiệm kỳ, cách thức bổ nhiệm cho đến thẩm quyền cũng như các vấn đề khác liên quan. Như trên đã chỉ ra, Hiến pháp 1996 là bản Hiến pháp đầu tiên quy định về thiết chế Hội đồng Hiến pháp. Dưới Hiến pháp, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật chi tiết hóa một số vấn đề có liên quan đến thiết chế này. Điều 171 của Hiến pháp minh thị trao cho Quốc hội quyền ban hành luật chi tiết hóa các vấn đề về tổ chức, hoạt động và điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng Hiến pháp. Ngoài ra, kể từ khi đi vào hoạt động, Hội đồng Hiến pháp cũng đã tự ban hành một số văn bản quy định về quy chế hoạt động, thủ tục giải quyết tranh chấp của Hội đồng.

Có sự thay đổi lớn trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng Hiến pháp khi so sánh giữa các quy định trong Hiến pháp 1996 và Hiến pháp sửa đổi 2005. Hiến pháp 1996 quy định thành phần Hội đồng Hiến pháp gồm 9 người, trong đó có 3 thẩm phán và 6 luật gia cao cấp. Quy định này cho thấy những nhà lập hiến của CH Chad đã tích lũy được nhiều bài học từ sự thất bại của các quốc gia chịu ảnh hưởng của mô hình Hội đồng Hiến pháp khác khi đặt ra quy định yêu cầu các thành viên của Hội đồng Hiến pháp phải là thẩm phán hoặc các luật gia cao cấp. Điều này ít nhất đã góp phần tăng tính chuyên nghiệp, chất lượng cũng như tính độc lập cho Hội đồng. Nhờ vậy, những phán quyết của Hội đồng về các vấn đề thuộc thẩm quyền cũng có tính thuyết phục và hợp lý hơn.

Quan trọng hơn, Hiến pháp 1996 cũng thiết lập một cơ chế cân bằng và đối trọng trong việc bổ nhiệm các thành viên Hội đồng. Theo đó, Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện mỗi người có quyền bổ nhiệm 1 thẩm phán và 2 luật gia làm thành viên của Hội đồng. Nhưng Hiến pháp 2005 đã sửa đổi quy định này. Cùng với việc bãi bỏ thiết chế Thượng viện, theo quy định tại Điều 161 Hiến pháp 2005, số lượng thành viên Hội đồng Hiến pháp vẫn giữ nguyên là 9, với 3 thẩm phán và 6 luật gia cao cấp, tuy nhiên, Tổng thống nay có quyền bổ nhiệm 2 thẩm phán và 3 luật gia, trong khi Chủ tịch Quốc hội chỉ có quyền bổ nhiệm 1 thẩm phán và 3 luật gia.  Điều này đã dấy lên lo ngại rằng quy định mới tạo ra một cơ chế thiếu cân bằng khi Tổng thống có thể bổ nhiệm nhiều người ủng hộ mình vào Hội đồng Hiến pháp và vì vậy Hội đồng sẽ mất đi tính độc lập và khách quan khi phán xét các tranh chấp có liên quan đến Tổng thống.

Nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng Hiến pháp là 9 năm, không được gia hạn. Các thành viên Hội đồng không thể bị bãi miễn khỏi chức vụ trong bất kỳ trường hợp nào trừ khi bị kết tội, từ chức hay mất khả năng đảm nhiệm chức vụ một cách lâu dài. Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng không thể là thành viên của Chính phủ, nắm giữ bất cứ một chức vụ bầu cử nào khác, hay là công chức nhà nước cũng như thành viên của các tổ chức vì lợi nhuận. Hai quy định này, kết hợp với yêu cầu về chuyên môn nêu trên được hy vọng sẽ bảo đảm và tăng cường tính độc lập của các thành viên Hội đồng Hiến pháp - một vị trí sẽ thường xuyên chịu áp lực chính trị, pháp luật khi đưa ra phán quyết do tính chất phức tạp của vấn đề Hội đồng phải xử lý, đó là các tranh chấp về thẩm quyền giữa các nhánh quyền lực khác nhau, về kết quả bầu cử Tổng thống, hay về tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành hoặc các điều ước quốc tế mà Chad định tham gia. Hội đồng Hiến pháp có một Chủ tịch được bầu bởi các thành viên của Hội đồng cho một nhiệm kỳ 3 năm và có thể được bầu lại.

Hiến pháp Chad có một quy định riêng về lời tuyên thệ mà các thành viên Hội đồng Hiến pháp phải đọc khi được bổ nhiệm: Tôi xin tuyên thệ sẽ thực thi một cách tận tâm các trách nhiệm của mình trong sự tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ trung lập và đúng thẩm quyền, bảo đảm sự tôn trọng đối với Hiến pháp và luôn hành xử một cách trung thành và liêm khiết trong việc thực thi nhiệm vụ. Quy định đặc biệt này phản ánh các nguyên tắc căn bản của Hội đồng Hiến pháp: Trung lập; Có năng lực; Liêm chính và Trung thành với Hiến pháp chứ không phải trung thành với bất kỳ lực lượng chính trị nào.

Minh Anh