HỆ THỐNG ỦY BAN NGHỊ VIỆN ĐÔNG ÂU

Cơ cấu hệ thống ủy ban

- Thứ Sáu, 13/06/2014, 08:06 - Chia sẻ
Để hiểu cách thức làm việc của các ủy ban, cần tìm hiểu cơ cấu của các ủy ban, bởi cơ cấu này có thể rất đa dạng và gồm nhiều thành phần. Cơ cấu cũng có tác động trực tiếp đến chất lượng và tầm quan trọng của công việc được xây dựng trong ủy ban. Hệ thống ủy ban của các nước Đông Âu cũng có cơ cấu tương tự như ở các nghị viện lâu đời tại những nước phát triển.

Nghị viện Lítva
Nghị viện các nước này đều có một số ủy ban thường trực được thành lập cho cả nhiệm kỳ của nghị viện. Điều này cho phép bảo đảm tính liên tục và hiệu quả công tác của nghị viện. Trong một số trường hợp, các ủy ban được thành lập hàng năm và sau đó được thành lập mới vào năm sau của nhiệm kỳ. Điều này bảo đảm tính liên tục, đồng thời cho phép có sự đổi mới. Các ủy ban thường trực thường được giao một lĩnh vực chính sách cụ thể (giáo dục, sức khỏe, kinh tế...).

Bên cạnh đó, nghị viện các nước Đông Âu còn có thể thành lập ủy ban lâm thời/đặc biệt để thực hiện một điều tra cụ thể hoặc để làm việc về một chủ đề cụ thể. Quốc hội Ba Lan là ví dụ điển hình về sử dụng các ủy ban lâm thời, theo đó khi nhiều ủy ban cùng có thẩm quyền đối với một dự luật hay một nội dung giám sát, các ủy ban sẽ thành lập ủy ban lâm thời để tiến hành công việc, với thành phần gồm các nghị sỹ từ ủy ban liên quan, và sau khi hoàn thành công việc, ủy ban lâm thời sẽ giải tán.

Số lượng ủy ban có ý nghĩa quan trọng, bởi nếu quá nhiều ủy ban sẽ gây lộn xộn, còn quá ít thì sẽ giảm giá trị của các ủy ban. Số lượng ủy ban phụ thuộc vào số lượng nghị sỹ được chọn trong nghị viện, nhưng có thể trong khoảng từ 10 đến 20 là hợp lý. Số lượng ủy ban của nghị viện các nước Đông Âu từ 8 ủy ban ở Thượng viện CH Séc cho đến 27 ở Quốc hội Ba Lan. So với thời kỳ XHCN, số lượng ủy ban của nghị viện Bulgaria tăng nhiều nhất trong số các nước Đông Âu.

Giống như ở nhiều nước, nghị viện các nước này thường quyết định số lượng ủy ban theo số lượng các bộ trong chính phủ và danh sách ủy ban thường trực thường gắn với danh sách các bộ, tạo quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và các nghị sỹ. Tuy nhiên, nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được tuân theo một cách chặt chẽ, vì các vấn đề chính sách nhiều khi có sự chồng lấn, hơn nữa, bản thân các bộ cũng thường xuyên thay đổi. Sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức của các bộ nhiều khi kéo theo khó khăn cho việc thành lập các ủy ban của nghị viện. Một số nước đã phải thay đổi hệ thống ủy ban của nghị viện vì số lượng và thẩm quyền của các bộ thay đổi. Hầu như các nghị viện ở Đông Âu đều có một số ủy ban thường trực có thẩm quyền liên quan đến các bộ khác nhau. Chẳng hạn như Ủy ban Ngân sách của nghị viện Hungary và CH Séc thẩm tra các nội dung do nhiều bộ phụ trách.

Một trong những đặc điểm của hệ thống ủy ban nghị viện ở các nước Đông Âu là các tiểu ban thuộc ủy ban. Nếu như ủy ban có sự linh hoạt và chủ động hơn so với toàn thể nghị viện, hệ thống các tiểu ban cũng tương tự. Thông thường, các tiểu ban ở nghị viện các nước Đông Âu chỉ có tính tạm thời, để giải quyết một vấn đề cấp bách. Vì vậy, cơ cấu, thành phần, nhiệm vụ của các tiểu ban thường khác nhau, không theo khuôn mẫu nhất định.

Minh Thy