Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Có bảo đảm tính độc lập, khách quan?

- Thứ Ba, 26/11/2019, 08:14 - Chia sẻ
Lo ngại có tình trạng đùn đẩy, né tránh khi thực hiện giám định, có ĐBQH đồng tình với quan điểm của Chính phủ khi bổ sung nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng giám định tư pháp nhằm giám định kịp thời, khách quan, chính xác. Tuy nhiên, cũng có ĐBQH đặt vấn đề, nếu phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm toán, thì Kiểm toán Nhà nước phải chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này Kiểm toán Nhà nước lại tham gia giám định thì không bảo đảm tính độc lập, khách quan.

Trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ

Vướng mắc lớn nhất trong dự thảo Luật có lẽ là quy định về Kiểm toán Nhà nước có thực hiện giám định tư pháp hay không? Cho rằng không nên giao nhiệm vụ này cho Kiểm toán Nhà nước, các ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu rõ, quy định này sẽ dẫn đến sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giám định tư pháp với các bộ, ngành quản lý như tài chính, xây dựng, giao thông, ngân hàng nhà nước và bảo hiểm xã hội…

Theo ĐB Võ Đình Tín thì việc bổ sung quy định này không cần thiết, vì theo Luật Giám định tư pháp hiện hành, Bộ Tài chính đã là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn, chuyên môn, áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Trên thực tế, Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Mặt khác, số vụ việc giám định trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu trong những năm vừa qua là không nhiều. Như vậy, nguồn nhân lực giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nếu giao cho Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp thì đây là nhiệm vụ mới sẽ phát sinh biên chế, kinh phí tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Xét về chức năng nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thêm, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Nếu phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm toán, thì Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này Kiểm toán Nhà nước lại tham gia giám định thì không bảo đảm tính độc lập, khách quan.

Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) lại ủng hộ việc Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp. Lý lẽ là bởi, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp và đụng chạm, vì nó xác định đến hành vi vi phạm pháp luật, đến tội danh, nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định cũng như bản thân những người tham gia giám định. Xuất phát từ các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua cũng cho thấy, từ năm 2013 đến 2018, trong lĩnh vực tài chính chỉ trưng cầu giám định 241 vụ việc, nhưng vẫn có tình trạng chậm trễ, né tránh, đùn đẩy. Nếu Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính, sẽ có thêm “một kênh để lựa chọn”. Khẳng định điều này, ĐB Nguyễn Thái Học tin tưởng, Kiểm toán Nhà nước “có đầy đủ các điều kiện để tham gia vào việc giám định để mang đến một kết luận khách quan, chính xác”. Hơn nữa, trong nhiều vụ việc, vụ án xảy ra liên đới đến lĩnh vực tài chính, cán bộ của ngành tài chính thì trưng cầu giám định của Bộ Tài chính có thiếu khách quan không?

Phản biện lại những lo lắng trưng cầu giám định tư pháp sẽ ảnh hưởng đến chức năng độc lập của Kiểm toán Nhà nước, ĐB Nguyễn Thái Học nhận định, giữa hoạt động kiểm toán và giám định tư pháp vốn có một điểm chung. Đó là giám định đòi hỏi tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, thì kiểm toán cũng vậy.

Chưa đủ điều kiện để thực hiện

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong công tác giám định các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng. Nêu ví dụ này, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết, chỉ khi có thêm một cơ quan chuyên môn cao, không làm quản lý nhà nước thực hiện giám định như Kiểm toán Nhà nước thì mới tạo điều kiện cho giám định kịp thời, chuẩn xác.


Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Hơn nữa, dù giám định trong lĩnh vực tài chính được giao cho Bộ Tài chính quản lý, nhưng đây vẫn là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan đến hầu hết các hoạt động có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đây là lĩnh vực then chốt trong quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước. Chính thế, Quốc hội đã phải thành lập riêng một cơ quan là Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tài chính công, tài sản công. Với lẽ như vậy, thì việc giao thêm chức năng giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước với lĩnh vực đặc thù này là rất cần thiết, ĐB Nguyễn Mạnh Cường nói.

Rà soát các quy định pháp luật, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu thêm các lý do để Kiểm toán Nhà nước không nên thực hiện chức năng giám định tư pháp. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 không quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ngành kiểm toán trong thực hiện chức năng giám định tư pháp. Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành cũng không quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành kiểm toán trong thực hiện chức năng này. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước trình tại Kỳ họp thứ Tám này sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã loại khỏi quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc giám định tư pháp.

Kiểm toán Nhà nước không phải là một thành viên của Chính phủ. Giám định tư pháp là một hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật. Trong nhân sự, tổ chức bộ máy, nhân lực của ngành kiểm toán không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn về nghiệp vụ giám định tư pháp, không có đủ điều kiện để thực hiện trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển nền tư pháp đến năm 2020 được UBTVQH phê duyệt cũng không quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn này cho Kiểm toán Nhà nước, ĐB Trần Văn Mão nêu rõ.

Từ các góc nhìn khác nhau, mỗi ĐBQH đều đưa ra lý lẽ, chính kiến của mình đối với quy định rất quan trọng trong dự thảo Luật. Với trách nhiệm của mình, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH và có giải trình để hoàn thiện dự án Luật trước khi trình QH xem xét thông qua. Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp lần này đó là chỉ sửa đổi những vấn đề rất cấp bách và cần thiết, nhằm phục vụ trực tiếp cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế. Vì thế, hơn ai hết, các ĐBQH đều mong muốn, giám định tư pháp phải góp phần quan trọng vào giải quyết các vụ án một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Anh Thảo