Có bàn nên chuyện?

- Thứ Hai, 11/11/2019, 08:23 - Chia sẻ
Ngày 14.11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng. Sự kiện được lên kế hoạch trong bối cảnh khối liên minh quân sự này đang gặp nhiều khó khăn, từ gánh nặng chi phí, sự đoàn kết nội bộ đến những thách thức an ninh như khủng bố, các vụ tấn công mạng hay khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Quan hệ nóng - lạnh

Diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO tổ chức tại London ngày 3 - 4.12 tới, cuộc gặp tuần này là dịp để Tổng thống Donald Trump và Tổng Thư ký Stoltenberg thảo luận cách thức củng cố năng lực phòng thủ và tính răn đe cho NATO, trong đó có quá trình tăng chi tiêu quốc phòng và bảo đảm cân bằng hơn trong việc chia sẻ gánh nặng chi phí. Từ trước tới nay, Mỹ liên tục thúc ép các đồng minh phải tăng đóng góp cho tổ chức. Trong thời gian ở Washington, ông Stoltenberg cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo và các thành viên Quốc hội, đồng thời tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng của một liên minh toàn cầu vừa được thành lập để chống lại nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hiện nay, ngay trong nội bộ NATO đã nảy sinh khá nhiều bất đồng như vấn đề hạt nhân Iran, chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, quyết định vội vã của Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria. Ngoài ra, sự đoàn kết trong khối tiếp tục bị đặt dấu hỏi khi chính quyền Washington nhiều lần phàn nàn rằng các đồng minh NATO đang lợi dụng quân đội Mỹ. Bản thân Tổng thống Donald Trump thường xuyên chỉ trích các thành viên, đặc biệt là Đức, khi cho rằng nhiều nước đã không đạt được mục tiêu của khối là dành 2% tổng thu nhập quốc dân cho chi tiêu quốc phòng. 

Thực tế, ông Trump có mối quan hệ lúc nóng, lúc lạnh với NATO. Còn nhớ trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, vị tỷ phú này từng gọi khối liên minh quân sự là “lỗi thời”. Tuy nhiên, sau khi trở thành chủ nhân chính thức của Nhà Trắng, ông đã phải thừa nhận giá trị của NATO nhiều hơn. Dẫu vậy, việc các thành viên từ chối gia nhập Liên minh xây dựng an ninh hàng hải quốc tế (IMSC) ở Trung Đông của Mỹ gần đây đã khiến ông Trump trở nên lạnh nhạt.

Trong một bài phỏng vấn gần đây với tờ The Economist, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm cho “thiên hạ dậy sóng” khi nhận xét, NATO đang dần “chết não” do thiếu sự phối hợp chiến lược và vai trò lãnh đạo của Mỹ cũng như những bước đi khó đoán của Washington. Ông dẫn chứng rằng, đã không hề có sự phối hợp chiến lược nào giữa các thành viên NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ trong những diễn biến liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria vài năm qua. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành những hoạt động làm tổn hại đến lợi ích các đồng minh. Theo nhà lãnh đạo Pháp, đó là một vấn đề nghiêm trọng và NATO cần làm rõ các mục tiêu chiến lược của mình.

Ông chủ điện Elysée thậm chí còn tỏ ra hoài nghi về Điều 5 Hiến chương NATO, trong đó tuyên bố tấn công vào một thành viên là tấn công vào cả khối. Điều khoản trên vốn được coi là nền tảng của liên minh xuyên Đại Tây Dương kể từ khi được thành lập năm 1949.

Thách thức tuổi 70

Tháng 4 năm nay, NATO đã chính thức tròn 70 tuổi, đánh dấu sự tồn tại của liên minh quân sự lâu đời nhất thế giới. Cách đây 70 năm, ngày 4.4.1949, 12 nước, trong đó có 10 nước châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Italy, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bồ Đào Nha) cùng Canada và Mỹ đã ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Washington. Đây được xem là ngày thành lập NATO, liên minh quân sự chính do Mỹ dẫn đầu. Mục đích thành lập của NATO là để ngăn chặn ảnh hưởng của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu. NATO ra đời cũng đã dẫn đến việc các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thành lập khối Warsaw để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang giữa hai khối quân sự đối địch này là tâm điểm của Chiến tranh Lạnh trong nửa sau thế kỷ XX. Sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO bắt đầu thi hành chính sách Đông tiến, kết nạp các thành viên cũ trong khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Cho tới nay, con số thành viên của NATO đã phát triển lên 29, trong khi Bắc Macedonia đang trên đường trở thành thành viên thứ 30. Về cơ bản, NATO mở rộng về phía Đông đã tái khẳng định địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, thu hẹp không gian an ninh của Nga và khiến bố cục an ninh địa chính trị của châu Âu thay đổi đáng kể.

Tuy nhiên, cùng với số tuổi ngày càng cao, NATO cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức nghiêm trọng. Trong một báo cáo với tên gọi “NATO tuổi 70: Một liên minh trong khủng hoảng”, hai tác giả, đều là cựu đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, ông Douglas Lute và ông Nicholas Burns, cho rằng cuộc khủng hoảng mà NATO đang phải đối diện đe dọa đến an ninh hiện tại và tương lai của châu Âu và Mỹ. Cả hai đã nêu lên 10 thách thức lớn đối với NATO, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để củng cố liên minh. Trong đó, đáng kể nhất là thách thức mà NATO chưa từng đối mặt trước đây: sự “thờ ơ” của Mỹ. Thực tế cho thấy, nếu NATO mà không có Mỹ, thì tiềm lực hạn chế của các nước châu Âu hiện tại khó khả năng thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm và răn đe an ninh tại khu vực. Vì vậy, hồi sinh sự lãnh đạo của Mỹ trong liên minh là một trong những thách thức lớn từ bên trong NATO, ngoài thách thức phải phục hồi sức mạnh quốc phòng, nâng cao giá trị dân chủ, hợp lý hóa quá trình ra quyết định của NATO. Chưa hết, đối với những thách thức bên ngoài, các tác giả cho rằng, NATO phải tái tập trung quan hệ đối tác NATO, duy trì một cánh cửa mở cho các thành viên tương lai, giành thế chủ động trong cuộc chiến công nghệ thời đại kỹ thuật số, đối phó và cạnh tranh tốt hơn với Nga và Trung Quốc. Để làm được điều đó, NATO phải tìm được sự đồng thuận giữa các thành viên của mình, trong khi đây lại là điểm yếu lớn nhất của khối liên minh quân sự này.

Ngọc Minh