Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

- Chủ Nhật, 01/03/2020, 23:50 - Chia sẻ
Cho ý kiến về những sửa đổi, bổ sung đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm tại dự án Luật này, các ĐBQH đều tán thành đối với quan điểm, nội dung của dự thảo Luật, đã thể hiện rất rõ chủ trương hành động của Chính phủ đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Qua đó, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Hậu kiểm có thực sự khả thi?

ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) băn khoăn, khi dự thảo Luật không quy định điều kiện đăng ký cấp giấy thành lập và hoạt động doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm. Bởi dự án Luật mở rộng quyền cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho cả cá nhân, trong khi Luật hiện hành chỉ áp dụng đối với tổ chức. Do việc giám sát hoạt động của cá nhân hiện nay là tương đối khó khăn, nếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà quy trình lại giám sát không chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của thị trường bảo hiểm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm. ĐB Lã Thanh Tân đề nghị, trên cơ sở quy định tại Khoản 4, Điều 120 cần nghiên cứu để cụ thể hóa trong nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính về phương thức quản lý, giám sát đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đặc biệt, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.


Ảnh: Lâm Hiển 

ĐB Lã Thanh Tân cũng cho rằng, khi muốn thị trường bảo hiểm trở thành một thị trường chiến lược thì phải có cơ chế, chính sách giúp thị trường phát triển một cách toàn diện, an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Các ĐBQH cũng nhất trí cho rằng, khi mở rộng thêm cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thì cần có giải pháp để dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm. Để đạt mục tiêu này, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết. “Mặc dù phụ trợ bảo hiểm được Chính phủ đề xuất là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện tương tự như bốn ngành nghề kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, gồm kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Nhưng chủ thể được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ngoài tổ chức thì cá nhân cũng được cung cấp; trong khi bốn ngành nghề theo luật hiện hành chỉ cho phép tổ chức được cung cấp”, ĐB Lã Thanh Tân nhấn mạnh.

Cần bổ sung thêm hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chỉ rõ, dự án Luật bổ sung thêm dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như một nhóm thống nhất với tên gọi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trong đó có 4 nhóm cụ thể, các quy định có liên quan như: giải thích từ ngữ, điều kiện kinh doanh, hợp đồng đều được quy định chung cho cả nhóm này và độc lập với các dịch vụ hiện có của Luật Kinh doanh bảo hiểm (kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm...). ĐB Thạch Phước Bình cho rằng, cách thiết kế này là chưa thống nhất với bản chất của dịch vụ có liên quan đến bảo hiểm cũng như thông lệ quốc tế. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh lại các quy định liên quan theo hướng gộp dịch vụ đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm vào cùng nhóm dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Phân tích nội dung của từng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, ĐB Thạch Phước Bình cho rằng, nên liệt kê các hoạt động cụ thể và có khoản mở cuối cùng là các hoạt động khác có liên quan, tương tự như các quy định tại khoản cuối của các điều 85, 90 của luật hiện hành. Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất điều chỉnh ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư theo hướng bỏ ngành nghề đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Phương Thủy