Xem - Nghe - Đọc

Chuyện ghế

- Chủ Nhật, 11/08/2019, 08:24 - Chia sẻ
Cái ghế con câm lặng và thiết yếu trong cuộc sống buồn vui của người Việt. Món đồ tối giản, không thể mộc mạc hơn, thân thuộc đến mức không ai buồn định danh, vì nó luôn có mặt ở đấy, ngay cạnh, một với tay là có thể kéo lại để ngồi lên...

1. Một trong những món nội thất cổ xưa nhất chính là cái ghế đẩu, thứ ghế không có lưng tựa và chỗ để tay, chỉ có chân và mặt phẳng để ngồi. Ở phương Tây, cái ghế đẩu tổ tiên thuộc về đế quốc Đông La Mã, thời kỳ Trung Đại - nó đi theo các cuộc chinh phạt để trở thành một món đồ phổ biến khắp châu Âu.

Tôi chưa tìm được sử liệu nào nói về thời gian cái ghế đẩu xuất hiện trong đời sống người Việt. Nhưng hẳn là sự tham dự ấy đã dằng dặc hàng thế kỷ. Nếu cái ghế đẩu của phương Tây khá cao thì cái ghế đẩu của hậu duệ Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ chừng 1 tấc - nên nhiều khi người ta quen mồm gọi nó là cái ghế con. Và như một mặc định, ghế con được dân gian coi là cái ghế của nhà nghèo. Thì chỉ dăm miếng gỗ vặt, có khi là mấy chạc cây chặt ngoài vườn về đẽo qua loa, đóng vào tấm gỗ thừa thẹo - thế là thành! Già trẻ, trai gái - ai cũng ngồi được. Nó tối giản và nhẹ nhõm đủ để mang đặt ở bất cứ góc nào trong không gian sống của người Việt. Từ góc bếp cay ấm mùi khói rơm, đến sân gạch ngồi nhẩn nha nhặt nắm rau mớ tép, đến bậu cửa bà ngồi vá áo mẹ đan len, cái ghế bé nhỏ ấy cũng xuất hiện khẽ khàng mà áp đảo khắp các chợ quê - món đồ bất rời an ủi của những người đàn bà tần tảo bên gánh hàng còm cõi….

Cái ghế con câm lặng và thiết yếu trong cuộc sống buồn vui của người Việt. Món đồ tối giản, không thể mộc mạc hơn, thân thuộc đến mức không ai buồn định danh, vì nó luôn có mặt ở đấy, ngay cạnh, một với tay là có thể kéo lại để ngồi lên. Khiêm nhường và tất nhiên hiện hữu trong đời sống hàng ngày như lúa như khoai, như rau như muối, như cái áo nâu của ông bà, như chổi tre như guốc mộc.

Nhưng mà ông bà không mặc áo nâu nữa. Guốc mộc và chổi tre đến thời “thất truyền”. Ghế con nhà làm của các bác phó mộc vườn được thay thế bằng những Song Long Plastic. Phải đi về những vùng quê xa lắm, thảng hoặc, tôi mới gặp vài cái ghế gỗ con ám thời gian trong những xó bếp buồn tủi của nhà nghèo.

 “Từ góc bếp cay ấm mùi khói rơm, đến sân gạch ngồi nhẩn nha nhặt nắm rau mớ tép, đến bậu cửa bà ngồi vá áo mẹ đan len, chiếc ghế bé nhỏ ấy cũng xuất hiện khẽ khàng mà áp đảo khắp các chợ quê - món đồ bất rời an ủi của những người đàn bà tần tảo bên gánh hàng còm cõi….”

2. Quá khứ có thể là một điều âu yếm mong gặp lại. Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt mong tìm lại thân thuộc ngày xưa trong hình hài cái ghế con. Gỗ nghiến cổ thụ phần nạc nhất, bỏ vào lò luộc suốt ngày đêm cả một tuần trời cho kiệt hết nhựa. Miếng gỗ cứng như sừng và nặng như đồng ấy được bác thợ mộc lành nghề đóng theo kỹ thuật ghép mộng cổ xưa, thời mà những mối ghép chưa từng có keo với đinh hiện diện, chỉ là những khớp gỗ tinh xảo khít vào nhau chắn chắn bởi tay nghề và sự kiên nhẫn vô cùng của người thợ.


Các mẫu ghế của hoạ sỹ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Cái ghế này, tôi nghĩ nó sẽ phù hợp cho các quý cô ngồi cắm hoa, hay khi nhẩn nha ở hiên nhà ngắm một buổi chiều đẹp ơ hờ trôi qua; hoặc có em bé nào đó sẽ ngồi trên ghế nghịch những món đồ chơi, và người lớn quây quanh “cục cưng” tưng bừng bé bỏng ấy. Vì thế, cái ghế phải thật đặc biệt. Nó được sơn mài tất cả các mặt bằng sơn ta với kỹ thuật truyền thống. Để ngồi lên có cảm giác êm đằm, mặt ghế được dán lớp da thuộc khá dày, tôi đoán đó là khoảng da bụng mềm và mệt mỏi của một con bò già. Và để cân lại sự hớn hở, cái ghế mỗi mặt mỗi chân là một màu khác. 

Người nghệ sĩ thiết kế ra món đồ này, khi được đề nghị đặt tên cho cái ghế, ông ấy nói: “Xung quanh chúng ta, cuộc sống vẫn diễn ra, không cần tụng xưng, không cần huân chương, thậm chí chưa có danh xưng nhưng cuộc sống luôn lộng lẫy. Cái ghế đẩu, cái đôn, hoặc cái ghế con, nó là gì? Dạ thưa, nó chưa bao giờ là cái gì cho đến tận hôm nay. Ngay cả khi thân vóc mặt da, then ngang sơn mài kỹ lưỡng chạm vào êm mát, thì nó vẫn là cái ghế không có tên. Bạn sẽ thấy mình rất “quen” với cái ghế, điều đó đúng thôi vì món đồ này đã lẩn khuất, đã có mặt từ thế hệ cha mẹ, thậm chí từ đời ông bà bạn. Tôi không thể đặt danh xưng cho đồ vật bé nhỏ len lỏi trong đời sống người Việt từ Bắc chí Nam, không thể thô lỗ phũ phàng đặt một cái tên điệu đà nào đó cho một vật vốn có đời sống lâu hơn, dài hơn bất cứ một dòng tộc nào...”.

Bắt đầu từ chớm hạ, vừa làm vừa nghỉ, lúc quên thì ơ hờ góc xưởng, lúc nhớ thì bỏ ra cưng nựng thêm nước sơn mài. Đến mùa Ngâu thì hoàn thành, chỉ đúng 4 cái ghế con...

3. Năm 2001, Lê Thiết Cương ra mắt bộ sưu tập ghế sắt. Sơn các “màu nguyên” rực rỡ, những cái ghế của anh khiến người ta hơi ngại ngùng khi ngồi xuống. Nó giống tác phẩm điêu khắc hơn là một món đồ cho nội thất. Những cái ghế của Lê Thiết Cương trình bày một ngôn ngữ tối giản đến độ câm nín, và no mọng vẻ đẹp của hình khối và màu. 

Trong một lần trò chuyện với Lê Thiết Cương, họa sĩ chia sẻ: Bộ sưu tập Ghế chính là định nghĩa của anh về design. Nguyên tắc design của Lê Thiết Cương là tỷ lệ: Giữa phần đặc và rỗng, giữa nóng và lạnh, đậm và nhạt (của màu), giữa mảng khối và đường nét, giữa dày và mỏng… Không cần nói gì thêm, những cái ghế của Lê Thiết Cương nếu có nhiệm vụ gì thì chính là sự hoàn hảo của những tỷ lệ đẹp. 

Sau 18 năm, Lê Thiết Cương mới bày ghế một cách chính thức - dù đâu đó đã từng vài cái xuất hiện trong những triển lãm chung hoặc sự kiện nghệ thuật. Những cái ghế kiêu hãnh của Lê Thiết Cương hiện đang được bày tại Gallery 39 Lý Quốc Sư, đến hết ngày 19.8.

Nguyễn Hương