Chuyển đổi số nông nghiệp:

Cần bắt đầu từ từng hộ nông dân

- Thứ Tư, 16/09/2020, 16:28 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid- 19 bùng phát đã xuất hiện nhiều dịch vụ mới phát triển mạnh mẽ như: thương mại điện tử, tiếp thị điện tử, công cụ theo dõi công việc từ xa…Là lực lượng sản xuất chính của nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp cốt lõi phải bắt đầu từ từng hộ nông dân, phải thay đổi tư duy để phù hợp với trật tự thế giới mới đang đặt ra. Đây là chia sẻ của Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) NGUYỄN THỊ THÀNH THỰC xung quanh vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp.
Viên VIDA. Nguồn: ITN
Ủy viên Ban chấp hành VIDA Nguyễn Thị Thành Thực.
Nguồn: ITN

Cấp mã vùng trồng trọt chưa đến 1%

- Bà có thể đánh giá tác động và vai trò của chuyển đổi số đối với nông nghiệp?

- Những lĩnh vực “chạm” đến cuộc sống của người dân nhiều nhất là y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, môi trường, sản xuất công nghiệp. Đây là 8 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số trước để tạo nền tảng, từ đó dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Trước đây, thời gian để triển khai các dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin nhanh thì phải mất 3-5 năm mới thực hiện được tin học hóa quá trình nghiệp vụ. Hiện nay, với các nền tảng, thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Không cần có đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin vẫn có thể chuyển đổi số.

Công thức chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực hay các doanh nghiệp, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng. Nhờ chuyển đổi số, các ranh giới giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp, dịch vụ đang bị làm mờ dần. Sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành làm lu mờ ranh giới của các lĩnh vực đơn ngành truyền thống. Các sản phẩm nông nghiệp có thể được tạo ra hàng loạt bằng các phương pháp công nghiệp. Việc tăng cường tự động hóa, ứng dụng số hóa trong sản xuất giúp cho các sản phẩm có chất lượng tốt, thâm nhập được vào các thị trường khó tính, đặc biệt trong bối cảnh khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu vừa có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua.

- Theo bà, những tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp cản trở quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng là gì?

- Tôi lấy ví dụ cụ thể, đối với trồng lúa, trong khi nước ta có một diện tích lúa lớn, có lượng người lao động chuyên canh trong ngành lúa khổng lồ, tương đương với số lượng cần phải số hóa trong ngành lúa cũng không hề nhỏ. Dù vậy, hiện nay lại chưa có một công cụ kế toán nào dành riêng cho hợp tác xã làm lúa, cho những người nông dân trồng lúa. Thực tế cho thấy, có rất nhiều chứng chỉ quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam (VietGap), nhưng tất cả những chứng chỉ này đều làm trên sổ tay, và sổ tay có đến 99% là làm theo kiểu chống đối. Vậy thì tại sao lại không số hóa một cách đơn giản nhất từ cuốn sổ tay. Tại sao chúng ta phải dùng bảng tính excel trong khi có thể nhập trên điện thoại thông minh và tự tạo ra một dữ liệu tổng hợp.

Bên cạnh đó, về truy xuất nguồn gốc, nước ta có hơn 1 triệu ha trồng cây ăn quả, nhưng cấp mã vùng trồng trọt chưa đến 1%, trong khi hàng ngày xuất đến 70% sản lượng đi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để truy xuất nguồn gốc có độ bao phủ rộng đối với các hàng nông sản.

nước ta có hơn 1 triệu ha trồng cây ăn quả, nhưng cấp mã vùng trồng trọt chưa đến 1%,
Nước ta có hơn 1 triệu ha trồng cây ăn quả, nhưng cấp mã vùng trồng trọt chưa đến 1%. Nguồn: ITN

Công nghệ phải phù hợp vời từng sản phẩm đặc thù

- Vậy để chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp thành công, cần phải làm gì, thưa bà?

- Trong những bối cảnh bất định, nhất là thời điểm dịch Covid- 19 bùng phát, chúng ta đã thấy nhiều dịch vụ mới đã phát triển mạnh mẽ, có thể kể đến như thương mại điện tử, tiếp thị điện tử, công cụ theo dõi công việc từ xa… Điều quan trọng là các cá nhân và tổ chức phải thay đổi tư duy để phù hợp với trật tự thế giới mới đang đặt ra.

Có internet tốc độ cao, điện thoại thông minh, có thiết bị kết nối, có phần mềm ứng dụng tốt cũng như có chiếc xe tốt và đường cao tốc, nhưng “tài xế” mù mờ về luật, không có kỹ năng lái xe an toàn thì tai nạn chắc chắn sẽ xảy ra. Kỹ năng an toàn số là cần thiết cho mọi công dân, mọi gia đình và mọi doanh nghiệp. Vì vậy, cả các đơn vị nhà nước, doanh nghiệp đều cần được đào tạo, trang bị các hiểu biết căn bản và kỹ năng an toàn, trước khi bước vào chuyển đổi số. Riêng đối với sản phẩm nông nghiệp, không hề khó để số hóa. Người nông dân muốn tồn tại, muốn sống bằng nông nghiệp thì không có con đường nào khác là phải thay đổi. Mỗi nông dân đều là một thương nhân, có thể tự bán các sản phẩm của mình thông qua các ứng dụng bán hàng, nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo…

Là lực lượng sản xuất chính của nông nghiệp, do vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp cốt lõi vẫn là bắt đầu từ từng hộ nông dân. Theo đó, khi chia sẻ thông tin với nông dân, cần dùng ngôn ngữ phổ thông, người ta phải hiểu được mình nói gì rồi mới tính đến chuyện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đối với từng sản phẩm đặc thù, từng mặt hàng nông sản khác nhau thì ứng dụng, sử dụng những công nghệ khác nhau sao cho phù hợp. Một số ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp như nhật ký điện tử để số hóa cá nhân từng đối tượng, số hóa dữ liệu cơ sở ngành; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát tự động, kết nối chuỗi; công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (blockchain) như một cuốn số cái lưu trữ, chuyển tải và liên kết dữ liệu.

Hiện tại, một trong những sản phẩm mà VIDA đang nghiên cứu phối hợp cùng Đại học Bách khoa đó là ứng dụng truy xuất nguồn gốc, đây là ứng dụng trên thế giới chưa từng dùng đối với chính sách truy xuất nguồn gốc nông nghiệp, kỳ vọng góp phần vào công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

- Xin cảm ơn bà!

Thảo Anh