Chuyện đi sứ của cha ông

- Thứ Năm, 11/02/2010, 00:00 - Chia sẻ
Thực hiện đường lối ngoại giao giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nêu cao chính nghĩa, hòa hiếu là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn của một nước nhỏ với nước lớn. Trong lịch sử ngoại giao, những sứ thần Đại Việt đã chứng tỏ cho Thiên triều thấy tầm vóc của một quốc gia nhỏ bé.

Lương Thế Vinh: Cân voi bằng bè

Lương Thế Vinh, người làng Cao Lương, huyện Thiện Bản (Vụ Bản) thuộc Sơn Nam, Nam Định, đỗ Trạng nguyên năm Quý Mùi (1463) niên hiệu Quang Thuận thứ 4, làm quan đến Hàn lâm thị Thư đời Lê Thánh Tông. Ông thường có dịp tiếp các sứ thần ở phương Bắc. Một lần sứ thần nhà Minh sang Việt Nam cùng đi chơi với ông dọc sông Tô Lịch, sứ thần nhà Minh lấy cái cân và đố ông cân con voi cạnh đó. Không đắn đo suy nghĩ, ông bảo người ghép bè và sai người quản tượng dắt voi lên bè. Ông lấy cái cây đo độ chìm của bè rồi lại dắt voi lên và lệnh chuyển những tảng đá lớn lên bè bằng đúng với độ chìm khi voi đứng trên bè. Sau đó ông cân số đá trên bè. Sứ thần nhà Minh muốn đẩy ông vào thế bí, nhưng không ngờ ông đã thoát hiểm ngoạn mục và khiến sứ thần nước bạn phải nể phục.

Lê Quý Đôn: Trung Hoa chỉ có 1,2 người

Lê Quý Đôn, quê ở làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, đỗ Giải nguyên ở tuổi 18. Năm 1752, ông đỗ đầu kỳ thi Hội, vào kỳ thi Đình, ông đỗ Bảng nhãn. Năm 1757, ông được thăng chức Hàn lâm viện thị giảng dưới triều Lê. Năm 1761, ông dẫn đầu đoàn sứ sang Bắc Kinh. Các nho thần nhà Thanh mời ông đi vãn cảnh chùa gần bãi biển và xem bia. Ông vừa đọc xong tấm bia thì nước thủy triều dâng lên ngập bia. Các nho thần Trung Quốc hỏi bài văn trên bia, ông đọc lại không thiếu một chữ nào khiến các nho thần nhà Thanh phải kinh ngạc. Tài trí của ông đã khiến quan chức triều Thanh nể phục nói rằng nhân tài nước Nam như Lê tiên sinh thì ngay cả Trung Hoa cũng chỉ có đến 1, 2 người.

Phùng Khắc Khoan: Mang “ngọc mễ” về cho dân Việt

Phùng Khắc Khoan người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Trên đường đi sứ, Phùng Khắc Khoan chú ý quan sát cách làm ăn của nhân dân nơi đi qua. Khi qua vùng nước Ngô, ông thấy nhân dân sinh sống bằng một thứ hạt to đầu vàng hay trắng, gọi là “ngọc mễ”. Cây trồng trên đất khô không cần tưới nước như lúa, rất thuận tiện cho việc trồng ở các ruộng cao, vùng trung du và nơi không có nước. Ông ăn thử và thấy bùi ngon, có ý định khi về nước sẽ mua một ít hạt giống mang về. Khi xe về đến gần cửa ải, quân lính nhà Minh khám xét thấy và không cho mang một cân ngọc mễ nào cả. Ông và cả sứ bộ phải rất khéo léo mới giấu được một ít hạt mang về. Có sách viết là do chúng khám kỹ, bắt cởi cả quần áo ra nên phải giấu vào hậu môn. Hạt ngọc mễ được đem cho dân làng trồng và được đặt tên là hạt ngô vì thứ hạt này được lấy giống từ nước Ngô. Cũng vì vậy nên khi cúng cơm, người ta không cúng ngô.

Giang Văn Minh: Vế đối bảo vệ quốc thể

Dưới thời vua Lê Thần Tông (1619-1643), Giang Văn Minh được cử làm sứ sang Trung Quốc nạp cống và cầu phong. Trong buổi tiếp kiến sứ Đại Việt, để làm nhục sứ thần Việt Nam, vua nhà Minh đã nhắc lại việc Mã Viện dựng cột ở Giao Chỉ bằng một vế đối:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
(Cột đồng đến nay rêu đã phủ xanh)

Giang Văn Minh ứng khẩu đối tiếp vế sau:

Đằng Giang tự cổ huyết do bồng
(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ)

Giang Văn Minh cố ý nhắc lại 3 lần thảm bại của quân xâm lược Trung Quốc trên sông Bạch Đằng: Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938, Lê Hoàn đánh thắng quân Tống năm 981 và nhà Trần đánh thắng quân Nguyên năm 1288.

Vua nhà Minh hổ thẹn và tức giận ra lệnh giết Giang Văn Minh. Cả triều đình Nam Việt thương tiếc, còn vua Thần Tông ca ngợi: “Đi sứ không làm nhục quốc tế, thật là anh hùng kim cổ”.

Lê Công Hành: Ung dung trên lầu cao

Ông Lê Công Hành, người Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Tây, trong một lần đi sứ sang Trung Quốc năm 1646, ông được mời lên lầu cao ngắm phong cảnh và ngủ đêm tại đây. Sáng dậy chẳng còn ai. Họ bỏ ông một mình trên lầu cao và cất thang đi. Bị bỏ đói và khát, ông quan sát pho tượng phật thấy màu đen nhưng không phải màu đen của đồng và phát hiện ra tượng phật được làm bằng thứ bột thơm. Ông bẻ dần tượng phật ăn và hứng nước mưa uống. ăn hết tượng phật, ông lấy chiếc lọng che tượng giương lên nhảy từ lầu cao xuống đất một cách nhẹ nhàng.

Tú Khôi Sưu tầm