Câu chuyện đại biểu

Chuyện cũ nhắc lại

- Chủ Nhật, 02/12/2018, 08:18 - Chia sẻ
Trong một cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang về việc triển khai thực hiện Chương trình 134, 135 trên địa bàn huyện Lục Nam, một thành viên trong Đoàn đặt câu hỏi: Tại sao mỗi năm, nguồn vốn của chương trình nhiều như thế, mà tốc độ giảm nghèo của huyện chậm, không bền vững? Hỏi như thế là chưa hiểu thực tế cơ sở. Một cán bộ của huyện đã phân tích những hạn chế của chính sách, và nói thêm: Kinh phí thì lớn, nhưng đầu tư dàn trải, mỗi thứ một ít, không thể phát huy được nguồn lực về vốn... Câu trả lời đã khiến cho Đoàn giám sát nhiều suy nghĩ.

Thường xuyên giám sát các dự án

Ngày 20.7.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134). Ngày 10.1.2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2006QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn 2). Chương trình có 4 nhiệm vụ: Hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật… Đây là những chính sách quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo.

Là một trong những huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang có nhiều xã thuộc Chương trình 134, 135 của Chính phủ, sau khi giai đoạn 1 kết thúc, bộ mặt nông thôn miền núi của Lục Nam được cải thiện. Điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư, chất lượng đời sống người dân được nâng cao. Cả hai chương xóa đói giảm nghèo trên đều có nguồn vốn rất lớn, nên khi triển khai thực hiện phải hết sức cẩn trọng, sao cho việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nhất. Vì vậy, HĐND huyện thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát tại các xã trong Chương trình 134, 135. Đặc biệt chú trọng giám sát việc thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chương trình 135; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho các hộ nghèo, đời sống khó khăn.


Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang và HĐND huyện Lục Nam phối hợp tiếp xúc cử tri xã Đông Hưng  
Ảnh: Nguyễn An

Lãng phí do đầu tư dàn trải và máy móc

Trong quá trình giám sát, cũng như khi TXTC tại các địa phương trên, HĐND nhận thấy rất rõ chính sách ưu việt của Nhà nước đối với việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, người dân tộc thiểu số khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, cũng nhận thấy những hạn chế khi thực hiện chính sách, đặc biệt là có sự lãng phí rất lớn khi đầu tư xây dựng dàn trải, áp dụng chính sách một cách máy móc…

Đơn cử như việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là các lớp học cho trẻ mầm non để các cháu không phải đi học xa, nên thôn nào cũng có lớp học mẫu giáo, các thôn khó được đầu tư một khoản kinh phí nhất định, xây lớp học theo một thiết kế chung. Điều này đã dẫn đến mỗi thôn có một lớp học, nhưng chỉ có 5 - 7 cháu trong độ tuổi mẫu giáo; trường không đủ giáo viên dạy; xã cũng không có nguồn thu trả lương cho cô. Dân nghèo không có tiền trả học phí, nên lớp xây xong, không có người học... Trải qua nắng mưa, lớp học xuống cấp. Nhiều hiệu trưởng than: Gộp tiền xây mỗi thôn một lớp ấy để xây cụm lớp. Trẻ không phải đi học xa, các điều kiện chăm sóc, nuôi dạy tập trung tốt hơn, đời sống của cô giáo cũng được bảo đảm hơn.

Đầu tư hệ thống thủy lợi cũng vậy. Miền núi, gieo cấy, trồng trọt chủ yếu dựa vào thiên nhiên, hệ thống thủy lợi vô cùng cần thiết. Huyện đã hiểu rất rõ điều này, song kinh phí cho các xã cứng hóa kênh mương hạn hẹp, không đủ để xây dựng hệ thống kênh mương hoàn thiện từ đầu nguồn đến đồng ruộng, mà chỉ có thể cứng hóa từng đoạn ngắn một, dẫn đến công trình ít hiệu quả, chóng xuống cấp.

Hay chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo cũng vậy. Qua giám sát cũng như tiếp xúc cử tri, HĐND huyện nhận thấy, ngoài chương trình hỗ trợ nhà ở, còn lại, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn chưa thực sự phù hợp. Bởi ở Lục Nam ngày ấy, không hộ dân nào thiếu đất ở, không có đất sản xuất. Lục Nam cũng không phải là địa bàn quá khó khăn, thiếu nước sinh hoạt bởi hệ thống sông suối có trữ lượng nước nhiều, chỉ cần đào sâu xuống đất khoảng dăm bẩy mét là có nước ngầm, ngọt và trong vắt. Nhưng vì là mục tiêu có trong chương trình, và để giải ngân được, buộc các hộ được hỗ trợ phải xây bể chứa nước; các xã phải xây hệ thống nước sạch đưa nước về tận nhà dân. Tốn kém từ khâu khảo sát, thiết kế, làm mặt bằng đến thi công công trình, hệ thống ống dẫn nước… Cuối cùng, công trình chỉ tồn tại một thời gian ngắn bởi không ai dùng đến…

Nhiều người dân được hỗ trợ đã nói: Giá như hỗ trợ chúng tôi xây cái chuồng lợn thay vì xây bể nước; giá như để tiền xây bể nước trong rừng cho chúng tôi kè con đập, cứng kênh dẫn nước thì hay bao nhiêu…

Ngoài ra, những dự án hỗ trợ sản xuất, như cung ứng giống, phân bón cho các xã, các hộ nghèo cũng có những lãng phí. Nhiều năm, cử tri phản ánh chất lượng giống cây trồng, vật nuôi không bảo đảm; chất lượng phân bón không tốt… Đây thực sự là sự lãng phí không nhỏ đối với các hộ nghèo. Bởi bao nhiêu ngày chăm sóc, kết quả thu về không như mong đợi, làm nản lòng người được thụ hưởng chính sách.

Trong một cuộc giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình 134, 135 trên địa bàn huyện, một thành viên đoàn đặt câu hỏi với huyện: Tại sao mỗi năm, nguồn vốn của chương trình nhiều như thế, mà tốc độ giảm nghèo của huyện chậm, không bền vững? Hỏi như thế là chưa hiểu thực tế cơ sở. Một cán bộ của huyện Lục Nam đã phân tích những hạn chế của chính sách, và nói thêm: Nhìn số kinh phí thì lớn, nhưng đầu tư dàn trải, mỗi thứ một ít, không thể phát huy được nguồn lực về vốn. Vả lại, nếu lấy tổng kinh phí của chương trình chia cho tổng số hộ nghèo trên địa bàn, thì mỗi hộ chưa được nổi một triệu đồng. Một triệu đồng để xóa nghèo bền vững thì quả là không tưởng. Câu trả đã khiến cho đoàn giám sát nhiều suy nghĩ.

Trung Thành