Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh

Chuyển biến mạnh mẽ trong hành động

- Thứ Tư, 07/11/2018, 07:52 - Chia sẻ

2,265 triệu người tham gia BHXH

Theo BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 9, thành phố có 2,265 triệu người tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chỉ có 5.233 người tham gia, chiếm 52,25% so với lực lượng lao động trên địa bàn; hơn 6,933 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 83,13% dân số. Dự kiến đến cuối năm, tỷ lệ bao phủ BHYT của thành phố đạt 85,2% dân số. Số thu của BHXH thành phố tăng qua từng năm, trong khi tỷ lệ nợ có xu hướng giảm dần. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 7.122 đơn vị sử dụng lao động nợ từ 3 - 6 tháng; 1.179 đơn vị sử dụng lao động nợ từ 6 tháng trở lên và 6.645 đơn vị sử dụng lao động đã giải thể, phá sản với số nợ 327 tỷ đồng.

Nếu năm 2016, BHXH thành phố giải quyết cho hơn 14,15 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền quỹ BHYT chi trả là 6.967 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã giải quyết cho gần 16 triệu lượt người với 8.926 tỷ đồng chi trả; trong 9 tháng năm 2018, giải quyết cho 14,74 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với 7.088 tỷ đồng chi trả, đồng thời phát hiện chi phí phát sinh bất hợp lý với số tiền chưa thanh toán khoảng 243 tỷ đồng...

 9 tháng năm 2018, BHXH TP Hồ Chí Minh giải quyết cho 14,74 triệu lượt người khám, chữa bệnh
Nguồn: ITN 

Mặc dù đánh giá cao sự quyết tâm của BHXH TP Hồ Chí Minh trong công tác quản lý quỹ BHYT, song đại diện Vụ Tổ chức - Cán bộ, BHXH Việt Nam cũng lo ngại khi số tiền  kết dư quỹ BHYT của TP Hồ Chí Minh giảm. Đáng chú ý, trong 9 tháng năm nay, quỹ đã chi tới 81,3% so với dự toán, nên khả năng đến cuối năm sẽ bội chi. Minh chứng là từ khi có Thông tư 37, một số cơ sở y tế có tình trạng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú không cần thiết; có hơn 16 nghìn lượt điều trị nội trú nhưng không sử dụng thuốc; nhiều trường hợp chỉ chiếu chụp cận lâm sàng và có dấu hiệu lạm dụng; Bệnh viện Tân Phú có tình trạng bệnh nhân đẻ thường kéo dài ngày nằm viện lên 5,85 ngày hay như Bệnh viện An Bình kéo dài 6,5 ngày (trong khi bình quân cả nước là 3,1 ngày).

Cùng với đó là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn nhiều hạn chế, số người tham gia BHXH trên địa bàn còn thấp so với tiềm năng. Trong tổng số 171 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tương ứng với khoảng 2,955 triệu người lao động đang làm việc. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 84 nghìn doanh nghiệp tham gia BHXH cho 2,265 triệu người. Như vậy, hiện còn khoảng 690 nghìn người lao động chưa tham gia BHXH tại khoảng 87 nghìn doanh nghiệp. Ngoài ra, còn tới 735 nghìn người chưa tham gia BHYT, trong đó, có 150 nghìn học sinh, sinh viên. Đáng báo động là tình trạng nhận trợ cấp BHXH một lần rất nhiều và có xu hướng tăng lên (88.147 lượt người năm 2017 và 9 tháng năm 2018 là 79.839 lượt người).

Chú trọng phát triển đối tượng

 Thời gian qua, BHXH TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, đã kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với cơ sở y tế, đạt 100%; song tình hình chuyển dữ liệu đúng ngày chỉ đạt khoảng 50%.

Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, với đơn vị nợ BHXH, cơ quan BHXH đã thực hiện gửi thư nhắc nợ; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra cũng đã giúp thu hồi về quỹ được hơn 50% số nợ. Trong 9 tháng năm 2018, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 3.600 đơn vị, thu hồi hơn 125 tỷ đồng, lập biên bản vi phạm hành chính 61 đơn vị với tổng số tiền phạt 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với các đơn vị giải thể, phá sản vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, BHYT đối với đơn vị nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn; các đơn vị đã khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán; đơn vị nợ đã giải thể, phá sản, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng nhận định, TP Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn trong phát triển đối tượng, với khoảng 690 nghìn người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia, nên các cấp, các ngành cần phải có biện pháp quyết liệt đưa nhóm này vào lưới an sinh để được chăm lo. Bên cạnh đó, phải giảm số lượng người hưởng BHXH một lần. “Tăng mới hàng năm 140 nghìn người, nhưng ra khỏi lưới an sinh đến 80 nghìn người, thì việc tăng mới kém đi ý nghĩa” - bà Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Về BHYT, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng lưu ý TP Hồ Chí Minh cần kiên quyết khắc phục nhanh chóng việc chuyển dữ liệu khám chữa bệnh lên Hệ thống thông tin giám định; xem xét tổ chức đấu thầu hiệu quả thuốc, vật tư y tế nhằm bảo đảm quản lý thống nhất giá và cung ứng thuốc kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Các chuyên gia cũng đánh giá cao những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT của TP Hồ Chí Minh, nhất là việc thay đổi cung cách phục vụ người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ những thách thức mà thành phố phải đối mặt, nhất là tình trạng đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, nợ đọng BHXH cũng như một số cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Do vậy, thời gian tới TP Hồ Chí Minh cần mạnh dạn, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Trương Ngọc