Tản mạn

Chuyện ăn cưới

- Thứ Bảy, 05/10/2019, 08:03 - Chia sẻ
Ở nước ngoài, thỉnh thoảng tôi cũng đi ăn cưới và nhận ra khác biệt về tâm lý xã hội được thể hiện trong các đám cưới.

Thanh niên Tây thường sống độc lập sớm nên có xu hướng là ngại làm đám cưới vì gánh nặng chi phí. Cho nên nhiều khi người ta lấy nhau, sinh con đẻ cái rồi mãi sau mới làm đám cưới. Phần lớn bạn bè Tây của tôi đều như vậy, mặc dù họ rất yêu thương nhau. Nếu đôi nào mà tổ chức được đám cưới thì mọi người mừng cho họ, đám cưới tổ chức cũng khá đơn giản, chỉ mời vài chục người, đám nào có 100 khách thì đã thuộc loại khủng rồi. Cỗ cưới độ 5 - 6 mâm là cùng. 

Có lần đi ăn cưới ở Ý, trên một hòn đảo mà xưa kia người ta quay phim “Bố già”. Đám cưới ở Ý rất vui và rất có không khí “gia đình”. Ai cũng ăn mặc sang trọng. Đám cưới có các tiết mục, tiệc rượu, phát biểu, tiệc ăn, hát và nhảy, rồi lại tiệc rượu, rồi lại ăn, lại nhảy… kéo dài vài ngày.

Có một trở ngại trong các đám cưới kiểu này là khách mời đến từ nhiều nơi. Biết trước điều ấy nên cô dâu, chú rể thường chuẩn bị các tờ rơi có phụ đề tiếng Anh để bạn bè khỏi bị hố khi nghe phát biểu. 

Mặc dù có đôi chút bất đồng ngôn ngữ song không khó để nhận ra, cô dâu, chú rể thực sự trở thành trung tâm của buổi lễ. Khách mời ít, thường là bạn bè thân, họ hàng gần, nên ai cũng có hiểu biết về những nhân vật chính này, người ta vì thế mà trân trọng nhau, biết ơn những gì chủ nhà chuẩn bị để tiếp đãi họ. Thời gian tiệc cũng dài, đủ để khách đi lại, chào hỏi hòng lúc sau ăn cỗ đỡ ngại.

Một lần khác, ăn cưới ở Anh, cùng một đôi nhưng tổ chức hai đám cưới vào hai hôm khác nhau để tiện cho nghi thức tôn giáo của hai nhà. Tiệc thứ nhất rất lịch sự và không có bia rượu (theo phong tục nhà gái). Đến phần nhảy múa thì khách chỉ uống trà. Nghe có vẻ thiếu khả thi nhưng tham gia ta thấy nó vẫn hợp lý bởi vì khâu tổ chức họ làm rất cẩn thận. 

Tiệc thứ hai diễn ra ở vùng ngoại ô rất đẹp với khuôn viên, sân bãi và những ngôi nhà bằng gỗ. Mẹ cô dâu lên phát biểu rằng khi lần đầu tiên con gái bà đưa chú rể về nhà chơi, bà nhìn vào mắt cô và thấy rằng cô là người hạnh phúc nhất thế giới, bà cảm ơn anh con rể vì anh đã xuất hiện và dành cho con bà. Mẹ chú rể đáp lễ bằng 3 bài hát được thực hiện bởi dàn hợp xướng của các bà cụ sống trong làng. Khách mời phải vỗ tay rất lâu trước tiết mục này. 

Thức ăn phục vụ trong các đám cưới được chuẩn bị chu đáo và khách thường ăn hết. Đây là một điểm mà cá nhân tôi thấy rất ưu việt vì nó tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng chất lượng món ăn.  

Quà cưới Tây thường là hiện vật, khá giản dị. Để đến được đám cưới thì khách mời cũng phải di chuyển xa, từ nước ngoài hoặc thành phố khác, nên chủ nhà coi đây là dịp để “phục vụ”, “tri ân”.

Nhìn chung, đây là những dịp hân hoan, người ta vui mừng cho nhau, chứng kiến và làm chứng cho tình trạng hôn nhân của cô dâu chú rể. Ở các đám cưới này, nếu để ý, ta thấy “nữ quyền” được đề cao từ cả hai phía. Nó phản ánh rằng họ nỗ lực để thúc đẩy điều đó như một ý thức xã hội.

Đám cưới kết thúc sau 3 - 5 ngày nhưng mối quan hệ bạn bè, gia đình vẫn tiếp diễn và trở nên bền chặt. Cảm giác chung là nó rất “thật chất”. Ở khía cạnh kinh tế, nó thường trang nhã nhưng cũng giản dị, tiết kiệm và có hiệu quả cao hơn so với các đám cưới ở Việt Nam...

Lê Quang