Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh

- Thứ Tư, 13/03/2019, 07:46 - Chia sẻ
Trước không ít băn khoăn về việc mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa, trong lần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) này, cơ quan chủ trì thẩm tra đã có những lý giải thỏa đáng, thể hiện rõ mong muốn thay đổi căn bản giáo dục và đào tạo, chuyển mạnh từ giảng dạy kiến thức qua đánh giá và đào tạo năng lực cho học sinh. Trong đó, có việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh và sách giáo khoa trở thành công cụ, tài liệu giảng dạy.

Có xu hướng “chạy” sách giáo khoa không?


Tôi thấy giải trình cũng rõ. Chương trình giáo dục phổ thông phải thống nhất, còn sách giáo khoa để biên soạn cho từng môn học. Nhưng cần chú ý đến việc lãng phí trong in ấn sách giáo khoa, cụ thể là vấn đề giá cả của sách giáo khoa. Đây là mặt hàng phải kê khai giá với Bộ Tài chính.
Từ năm 2011 đến bây giờ, sách giáo khoa duy trì giá cũ, mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục. Tiền lương tối thiểu vùng hiện đã tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần, giấy in tăng 20%, điện tăng 41%, nhưng sách giáo khoa vẫn như 8 năm trước. Nếu không tăng giá thì doanh nghiệp in sách giáo khoa 100% vốn nhà nước sẽ bị lỗ bao nhiêu? Nếu tăng giá sẽ ảnh hướng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm nay là bao nhiêu? Tất nhiên phải tính toán, tăng bình quân mỗi cuốn có 1.000 đồng thôi, nhưng tác động tới CPI như thế nào?
Tôi đề nghị Chính phủ xem xét thực hiện quản lý, điều hành giá cả phù hợp với quy luật thị trường, kìm giá thế này cũng phi thị trường, không hợp lý. Trường hợp không điều chỉnh, đối với khoản dự kiến sẽ lỗ thì Chính phủ xử lý như thế nào? Có tránh nhiệm hay không? Nhân việc sách giáo khoa là vấn đề xã hội quan tâm nên chúng ta phải trao đổi, Chính phủ phải chỉ đạo để có giải pháp tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Quy định về chương trình, sách giáo khoa phổ thông tiếp  tục là nội dung dành nhiều sự quan tâm tại Phiên họp thứ Ba mươi hai của UBTVQH lần này. Không ít lần, nhiều ĐBQH, cử tri phản ánh tình trạng, sách giáo khoa không được sử dụng nhiều lần, quá nhiều loại sách tham khảo phải mua, gây bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn”. Đây là điều khiến Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại về tính khả thi: “Quy định này phải chăng phức tạp quá, làm sao mà cha mẹ, học sinh đem ra bàn bạc nên theo sách nào được? Rồi lại có xu hướng chạy để bộ sách của mình được dạy ở trường này, tỉnh nọ”.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa. Theo đó, Nhà nước bỏ tiền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ sách giáo khoa, có những môn học không thể có nhiều sách giáo khoa, chỉ có sách tham khảo để minh họa. Ví dụ, lịch sử Việt Nam từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, tiền Lê, hậu Lê… không thể biên soạn khác. Hay địa lý Việt Nam, núi non, sông ngòi làm sao có nhiều sách giáo khoa? Con sông này là sông Đuống, thì sách kia không thể nói đó không phải là sông Đuống mà là sông khác. Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh, có sách nào dám nói khác không, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn.

Xét về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa mà nhà trường không dùng lại dùng của tổ chức khác - vậy vai trò của Bộ như thế nào? Điều này “rất cần được làm rõ”, Chủ tịch QH nói.

Ở góc độ cơ quan chủ trì thẩm tra, sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nêu rõ, khi Trung ương ra Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì mong muốn là chúng ta có nhiều thay đổi trong cách học và cách dạy. Quan trọng là phải chuyển được từ giảng dạy kiến thức qua đánh giá và đào tạo năng lực cho học sinh. Việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh và sách giáo khoa trở thành công cụ, tài liệu giảng dạy. Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong toàn quốc là việc cực kỳ quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm ban hành chương trình giáo khoa thống nhất trong cả nước (chương trình này phải rất chi tiết, quy định học kiến thức gì, ra sao...), thậm chí, trong văn học học tác giả nào, bài văn nào cũng “quy định cứng luôn”. Trên cơ sở đó, việc viết sách giáo khoa được coi như cụ thể hóa chương trình và chương trình quyết định sách giáo khoa, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Với riêng sách giáo khoa, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, muốn công nhận thì phải được Hội đồng Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, chứ “không phải ai viết xong cũng được đưa ra thị trường”. Đây là lý do mà trong dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chương trình giáo dục phổ thông và chất lượng sách giáo khoa. Bộ trưởng cũng phải quy định việc lựa chọn sách giáo khoa như thế nào, “chứ không thể muốn chọn sao cũng được”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình chỉ rõ.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có giải trình, làm rõ những ý kiến còn khác nhau, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quyết định, phê duyệt và thẩm định sách giáo khoa. Tất cả sách giáo khoa đều phải chính thống và ở tầm quốc gia, dù ai biên soạn thì cũng phải thông qua Hội đồng Quốc gia thẩm định và Bộ trưởng quyết định phê duyệt có sử dụng sách giáo khoa đó hay không...

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì việc thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa “sẽ có lộ trình và từng bước làm quen dần”. Sách giáo khoa đối với cả nước là khoản chi không lớn, nhưng với từng gia đình, nhất là với nông dân, người nghèo thì đây là khoản chi đáng kể. Do vậy, phải có cách để sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm. Quan điểm nhất quán này được Chính phủ trân trọng tiếp thu từ những ý kiến đóng góp của UBTVQH.

Từ góc độ thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, biên soạn sách giáo khoa phải quy tụ được những người có trình độ sư phạm, có năng lực chuyên môn, đã qua thực tiễn giảng dạy, tham gia điều hành. Đồng thời, phải công khai Hội đồng viết sách giáo khoa, ai phải chịu trách nhiệm. “Anh đa dạng thế nào nhưng phải bảo đảm đúng định hướng chính trị của nền giáo dục Việt Nam, tránh độc quyền từ bên trong, mà phải minh bạch. Nội dung khi được biên soạn, phát hành phải bảo đảm đúng Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ”, Phó Chủ tịch Thường trực QH nêu rõ. 

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông khác căn bản so với trước đây. Lần trước đổi mới từ sách giáo khoa nên nhiều ý kiến nghĩ sách giáo khoa là cơ sở pháp lý để tất cả các việc phải đi theo, thậm chí giáo viên dựa vào sách giáo khoa để giảng dạy và tiếp cận kiến thức. Còn đợt này, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, nên chúng ta xây dựng chương trình tổng thể, theo đó soạn các chương trình môn học chi tiết là nội dung quan trọng.

Theo chỉ đạo của Nghị quyết số 88 của QH cũng như yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đề nghị các chuyên gia bám sát và xây dựng khung để 80% thống nhất toàn quốc, đây là pháp lệnh, còn 20% có tính linh hoạt ở các địa phương. Như vậy, chương trình tổng thể, chương trình môn học đã được ban soạn thảo thảo xin ý kiến kỹ, thậm chí phải chậm một năm, xin phép QH hoãn theo Nghị quyết số 51, đến cuối năm 2018, Bộ mới ban hành. Cho đến nay, sau khi quán triệt ở các địa phương, thì chương trình này đã được các địa phương, cơ sở giáo dục bắt đầu triển khai. Sách giáo khoa lần này khác với trước, sách giáo khoa thể hiện cụ thể mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp, chương trình có tính pháp lệnh và thống nhất trên toàn quốc. Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết phải bám chặt vào sách giáo khoa, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp. Điểm mấu chốt của đổi mới chương trình lần này là khuyến khích đổi mới phương pháp dạy và học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo  Phùng Xuân Nhạ

Anh Thảo