Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Chương Mỹ nâng chất các tiêu chí

- Thứ Bảy, 22/06/2019, 07:30 - Chia sẻ
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh gắn với phát triển chuỗi nông sản an toàn, huyện Chương Mỹ đã trở thành một trong những địa phương tiêu biểu của TP Hà nội với nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tích cực nâng chất các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các xã, hướng tới về đích huyện NTM vào năm 2020.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn

Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo huyện Chương Mỹ về tiến độ thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn công tác đã đến thăm các mô hình trồng bưởi hữu cơ ở xã Nam Phương Tiến. Đây là vùng chuyên canh bưởi gắn với phát triển chuỗi nông sản an toàn giá trị kinh tế cao của huyện Chương Mỹ với gần 300ha trồng bưởi Diễn, trong đó có 150ha bưởi đã được thu hoạch. Năm 2018, sản lượng bưởi của xã đạt hơn 2.700 tấn, hiệu quả kinh tế đạt trung bình 700 triệu đồng/ha/năm.

Theo chân đoàn công tác, chúng tôi đến thăm vườn bưởi của gia đình anh Phùng Văn Hà (thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến). Đây là một trong những hộ trồng bưởi Diễn tiêu biểu của huyện Chương Mỹ trên diện tích 7ha. Những ngày này, vườn bưởi của gia đình anh Hà cũng như các hộ trong thôn Núi Bé đang vào độ lưng chừng vụ với những quả bưởi đang tuổi lớn. Anh Hà cho biết, theo chủ trương và sự hỗ trợ của thành phố cũng như huyện, bà con nông dân ở đây đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ như: Nuôi giun và vi sinh vật có lợi để làm tơi xốp đất; không dùng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học mà dùng các chất hữu cơ có lợi cho sinh vật, cũng như người sử dụng sản phẩm. “Quả bưởi Diễn ở Núi Bé những năm 2006 có thể không đạt chất lượng cao nhưng đến nay đều bảo đảm tiêu chuẩn VietGap với chất lượng thơm ngon, ngọt, không tồn dư chất hóa học. Giá bán bưởi Diễn hữu cơ cũng cao hơn so với các loại bưởi thông thường.


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình bưởi hữu cơ
tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Ảnh: Tường Vy

Được biết, bưởi Diễn hiện đã được trồng tập trung quy mô lớn tại 7 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ với khoảng 680ha, trong đó, có 15ha đang sản xuất theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm quy trình VietGAP tại thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến và xứ đồng gò Nhót, xã Hữu Văn. Theo đánh giá bán đầu, bưởi sinh trưởng phát triển tốt, bộ lá xanh, tỉ lệ đậu hoa quả cao, số quả/cây hiện tại là 120 quả/cây. Năm 2018, năng suất bưởi của Chương Mỹ đạt 7.500 tấn, giá trị kinh tế đạt 150 tỷ đồng.

Không chỉ bưởi hữu cơ, huyện Chương Mỹ cũng đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ; mô hình chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, điển hình là Đồng Phú - một trong những vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ đầu tiên của Hà Nội áp dụng công nghệ thâm canh tiên tiến của Nhật. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa thông thường mà còn tạo được môi trường sống trong lành và giúp nông dân đoàn kết sản xuất theo nhóm hộ. Để nhân rộng mô hình, Chương Mỹ đã quy hoạch và phát triển các vùng trồng lúa trọng điểm. Đến nay, huyện đã xây dựng được 9 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với tổng diện tích 3.730ha.

Bên cạnh đó, rau hữu cơ cũng là mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Chương Mỹ. Đến nay, toàn huyện có 382ha sản xuất rau chuyên canh, trong đó, có 5ha đang thực hiện sản xuất hữu cơ tại HTX Chúc Sơn và HTX Nam Phương Tiến. Cùng với đó, Chương Mỹ có hai vùng rau lớn tại thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương với diện tích 145,5ha đã có 5 công ty, đơn vị đến thuê đất, liên kết với nông dân phát triển vùng rau an toàn VietGAP, hữu cơ.

Qua tham quan thực tế và nghe báo cáo của huyện, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của huyện trong phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chia sẻ, mặc dù địa bàn rộng, dân số đông, 2 năm gần đây lại chịu thiệt hại lớn về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh nhưng Chương Mỹ không ngừng quan tâm hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân của Chương Mỹ tiếp tục tăng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,23%. 

Nỗ lực đưa 5 xã về đích

Trong xây dựng NTM, huyện Chương Mỹ cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án huyện làm chủ đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí NTM. Bên cạnh đưa 5 xã còn lại về đích, huyện cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ. Song song với nhiệm vụ đó, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tổ chức chỉ đạo xây dựng các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng

Song song với chú trọng phát triển nông nghiệp, trong xây dựng NTM, huyện Chương Mỹ cũng đạt được nhiều thành tích đáng nể. Đến nay, huyện có 25/30 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đưa 5 xã còn lại về đích trong năm 2019, đến năm 2020 đạt huyện NTM và có thêm 3 xã NTM nâng cao.

Đối với 5 xã còn lại, gồm Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Phụng Châu, Thanh Bình và Tiên Phương, đến nay các xã đều đã đạt và cơ bản đạt 16 - 17 tiêu chí. Đây là những xã thuộc top cuối của huyện, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ nên việc thực hiện các tiêu chí NTM cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, xã Tốt Động hiện nay chưa có cấp trường nào được công nhận trường chuẩn; xã Hoàng Văn Thụ mới có 1/6 trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1. Không chỉ tiêu chí trường học, các xã còn gặp khó khăn về tiêu chí giao thông, thủy lợi chưa bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đồng thời, tỷ lệ số thôn được công nhận làng văn hóa còn thấp, cá biệt như xã Phụng Châu hiện mới có 1/5 thôn được công nhận làng văn hóa.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng khẳng định, để đạt mục tiêu xã NTM vào cuối năm 2019, Đảng ủy, UBND các xã cần tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong đội ngũ cán bộ, nhân dân trong phong trào xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các thôn, xóm đăng ký đạt làng văn hóa năm 2019 tập trung thực hiện tốt hương ước, quy ước làng văn hóa và theo dõi, nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để không ảnh hưởng đến việc công nhận làng văn hóa. Đối với các tiêu chí cần nhiều kinh phí, huyện kiến nghị thành phố có ý kiến chỉ đạo các quận nội thành hỗ trợ các xã khó khăn của huyện xây dựng trường học đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các xã cũng cần chủ động tập trung nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt để về đích theo kế hoạch.

Về tiến độ xây dựng huyện NTM và đưa 3 xã về đích NTM nâng cao, huyện Chương Mỹ kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ các xã khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí thực hiện 6 dự án khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 và số 4 năm 2018 trên địa bàn. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng khẳng định, dù khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân, huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra.

ĐÀO CẢNH